Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may và da giày bắt đầu khởi sắc sau năm 2020 suy giảm vì Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may quý đầu năm là 7,21 tỷ USD, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ 2020. Trong khi đó, xuất khẩu giày dép đạt 4,79 tỷ USD, tăng đến 14,8%.
Tuy nhiên, khi đơn hàng bắt đầu tăng lên, các doanh nghiệp hai ngành này phải chật vật tuyển lao động. Tại TP HCM và Bình Dương, mức lương lao động phổ thông chào mời đang dao động 5 đến 12 triệu đồng mỗi tháng, đi kèm các chế độ ăn trưa, bảo hiểm theo quy định. Thậm chí, có xưởng may tư nhân còn chấp nhận trả mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng nhưng vẫn khó tìm người.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may, thêu đan TP HCM cho biết, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, năm ngoái nhiều công ty đã tiến hành cắt giảm lao động. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, thị trường phục hồi, đơn hàng tăng trở lại, nguồn cung lao động sụt giảm, gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.
"Số lao động đã nghỉ việc, trở về quê và quay lại TP HCM không dồi dào như trước, do hiện nay các địa phương cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, người lao động có nhiều lựa chọn. Họ chọn công việc ở quê, gần nhà với mức thu nhập hợp lý hơn là quay trở lại thành phố", ông Hồng cho biết.
Tình trạng cũng tương tự tại Bình Dương, một trong những trung tâm lớn của dệt may, da giày cả nước. Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động ngành dệt may và da giày tỉnh này đang vào khoảng 11.000-13.000 người, với lao động phổ thông chiếm tỷ trọng lớn.
"Việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày cũng gặp khó khăn chung là chưa thể tuyển đủ, kịp thời để đáp ứng nhu cầu sản xuất", ông Tuyên nói.
Ngoài nguyên nhân lao động năm ngoái nghỉ về quê và ở lại, theo ông Tuyên, việc tìm người gặp khó khăn do từ đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu phục hồi, cộng với một lượng đáng kể doanh nghiệp mới thành lập. Nhu cầu nhân sự vì thế tăng lên nhưng người tìm việc đang có xu hướng mới.
Thứ nhất, một nhóm lao động giờ có điều kiện để học tập, học nghề, tham gia các hoạt động kinh tế tự do, hoạt động kinh tế gia đình hoặc tự tạo công việc nên không muốn làm tại các doanh nghiệp. Thứ hai, do có nhiều chào mời nên người tìm việc rất cân nhắc, xem mức lương và chế độ làm việc có đúng yêu cầu hay không.
"Hoạt động kinh tế tự do" đang nổi lên thời gian gần đây là bán hàng trực tuyến. Tại một hội nghị đầu tháng 4, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, một số lao động nữ giờ chọn bán hàng online chứ không muốn làm việc ở khu công nghiệp nữa.
Trước đó, chia sẻ với VnExpress, một doanh nghiệp điện tử "than thở" khó tìm lao động phổ thông vì nhiều người đổ xô đi bán hàng online. Còn thông tin mới đây của ông Nguyễn Hoàng Tiến , CEO Seedcom, một công ty đầu tư có tham gia nhiều vào thương mại điện tử cho biết, năm ngoái, có khoảng 2 triệu người từ người mua hàng chuyển sang bán hàng online.
Hiện ngành dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp, sử dụng 3 triệu lao động. Chín tháng đầu năm ngoái, vì đại dịch nên gần 90% doanh nghiệp giảm giờ làm thêm, 65% giảm chi phí ngoài lương. Cùng với đó, 40,7% cho 20-50% lao động nghỉ việc không lương và 11,1% phải cho một phần nhỏ (dưới 20%) thôi việc, theo VITAS. Giờ đây, khi bắt đầu có khả năng tuyển lại, ngành dệt may phải bước vào "cuộc chiến" giành lao động phổ thông với các ngành khác và trào lưu "kinh tế tự do".
"Thách thức rất lớn hiện nay là cạnh tranh lao động. Nhờ các FTA mà vốn đầu tư nhiều nước đổ về Việt Nam. Nhưng nó tạo ra vấn đề cực kỳ nguy hiểm cho dệt may, gia dày - vốn là những ngành thâm dụng lao động - là thiếu lao động. Chúng ta đang cạnh tranh lao động rất kinh khủng, tìm không ra người", bà Mai nói.
Phía da giày cũng "đỏ mắt" tìm người không kém. Ngành này có hơn 2.000 doanh nghiệp và sử dụng 1,5 triệu lao động. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tòng, chuyên gia có 20 năm làm việc trong ngành này nói rằng, các doanh nghiệp "vô cùng khó khăn" trong thực hiện các đơn hàng vì vất vả trong thu hút lao đông làm việc trở lại.
Có một số giải pháp đã được cơ quan quản lý và các chuyên gia đề ra để giải "cơn khát" người của dệt may và da giày. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương nói sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động nhằm kết nối nhanh nhất, hữu hiệu nhất giữa người lao động và nhà tuyển dụng.
Tỉnh này cũng sẽ đẩy mạnh việc liên kết thông tin tuyển dụng lao động với các tỉnh đang dôi dư lao động như: Kon Tum, DakLak, Ninh Thuận, Cà Mau, Sóc Trăng... để đưa lao động về Bình Dương làm việc; đồng thời thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp để kết nối người lao động nghỉ việc trở lại làm tại các doanh nghiệp có nhu cầu.
Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may, thêu đan TP HCM, giải pháp trong thời gian tới là doanh nghiệp trong ngành nên đầu tư thêm máy móc tự động để thay thế số lượng lao động bị sụt giảm, cùng với việc đào tạo tay nghề cho lao động để nâng cao năng suất.
"Ngoài ra, một giải pháp có thể cân nhắc là vận động, thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ, nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động", ông Hồng khuyến nghị.
Viễn Thông