Những lời đe dọa không kích Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy ông vào một tình thế xung đột mới với Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ vài tuần sau khi ông gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4, mời lãnh đạo nước Nga tới Nhà Trắng. Và cuộc xung đột này đang được mang tới gần hơn nhờ các dòng tweet mới nhất từ ông chủ Nhà Trắng, Politico dẫn lời Michael Carpenter, cựu quan chức cấp cao về Nga thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, nhận xét.
Hồi năm 2016, trong chiến dịch tranh cử, Trump nhiều lần nhấn mạnh Nga và Mỹ có thể bắt tay xử lý cuộc khủng hoảng Syria. Hôm qua, trên mạng xã hội Twitter, ông cảnh báo Nga "hãy sẵn sàng" bởi tên lửa Mỹ "sẽ tới" Syria. Tổng thống Mỹ đồng thời cho rằng mối quan hệ giữa Washington và Moscow đang ở mức "thấp nhất từ trước tới nay", vượt cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Triển vọng làm bạn vụt tắt
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ bắt đầu nóng lên từ hôm 7/4 sau cáo buộc quân đội chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công hóa học ở thị trấn Douma, Đông Ghouta, khiến khoảng 70 người thiệt mạng. Mỹ và đồng minh cương quyết đổ lỗi cho Syria về vụ tấn công. Ông Trump đe dọa sẽ khiến Damascus "phải trả giá đắt". Tuy nhiên, Nga và Syria phủ nhận các cáo buộc, nói thông tin về vụ tấn công là "giả mạo".
Ngày 11/4, kênh truyền hình RT, Nga, đăng một bài bình luận kèm video gợi ý rằng Tổng thống Trump muốn không kích Syria chỉ vì những "lý do chính trị". "Tổng thống Trump, người từng lên tiếng chỉ trích hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria, đã lên Twitter để cảnh báo Damascus và Moscow về những tên lửa 'thông minh' đang tới. Liệu mức độ tín nhiệm bết bát của Trump có phải là nguyên nhân dẫn tới sự đảo ngược chính sách gây choáng váng này không?", bài viết đặt câu hỏi.
Như là dấu hiệu cho thấy sự xa cách trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, một kênh truyền hình nhà nước Nga đã hủy phát sóng cuộc phỏng vấn với cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William Perry, người kêu gọi Washington và Moscow đối thoại nhằm tránh những xung đột không mong muốn.
Phóng viên phỏng vấn ông Perry viết trên mạng xã hội rằng trước bối cảnh cuộc khủng hoảng Syria sôi sục như hiện nay, "chương trình này có vẻ khá mâu thuẫn" và cuộc phỏng vấn sẽ được phát vào dịp khác.
Trong khi đó, Hội đồng các Vấn đề Toàn cầu hôm 10/4 thông báo một sự kiện dự kiến diễn ra ở Washington vào tuần tới có sự tham dự của Đại sứ Nga tại Mỹ sẽ bị hủy.
Theo một số nhà quan sát, nếu Mỹ phóng tên lửa vào Syria, nguy cơ chạm trán trên chiến trường là hiện hữu. Tình hình đã đủ tệ nhưng có thể còn trở nên xấu hơn nếu tên lửa Mỹ khiến các binh sĩ Nga thiệt mạng, đẩy căng thẳng lên cực điểm và bùng phát thành một cuộc đối đầu trực diện.
Song hiện vẫn có những tiếng nói lạc quan, tin rằng kịch bản đối đầu trực diện Nga - Mỹ khó lòng xảy ra. "Người Nga luôn cố gắng tìm cách lấn át Mỹ ở Syria và khiến Mỹ sợ hãi trước bất kỳ hành động có ý nghĩa nào", ông Wa'el Alzayat, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng làm việc về chính sách Syria, cho hay. "Dù luôn tồn tại khả năng xảy ra những tính toán sai lầm, cả người Nga lẫn người Mỹ đều không muốn một cuộc đối đầu trực diện", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Trump qua những phát ngôn của mình cho thấy ông khá chắc chắn với kế hoạch tấn công đáp trả Syria nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm qua cho biết Washington "vẫn đánh giá thông tin tình báo". Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cũng khẳng định Tổng thống Trump chưa có quyết định cuối cùng về kế hoạch tấn công Syria.
"Tổng thống Mỹ tỏ ra không nhất quán về vấn đề này và những dòng tweet của ông ấy hôm nay thể hiện rằng Trump có lẽ bị chi phối bởi cảm xúc và cái tôi nhiều hơn là một chiến lược chặt chẽ", Philip Gordon, cố vấn hàng đầu về Trung Đông cho cựu tổng thống Mỹ Obama, bình luận.
Vũ Hoàng