Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Video: Reuters.
Chính quyền Kim Jong-un ngày nào cũng nói với người dân Triều Tiên rằng Mỹ muốn tiêu diệt họ và đất nước của họ. Giờ đây, họ nghe tuyên bố đó trực tiếp từ Tổng thống Mỹ. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 19/9, Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên".
Các nhà phân tích nhận xét rằng lời đe dọa của ông có thể được hiểu là xóa sổ không chỉ chính quyền ông Kim mà còn cả 25 triệu người Triều Tiên, theo Washington Post.
"Trump đã cho Triều Tiên đoạn video tuyên truyền của thế kỷ", Marcus Noland, phó giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson nói. "Đoạn video đó sẽ được sử dụng đi sử dụng lại trên truyền hình nhà nước Triều Tiên".
Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953, chính quyền ông Kim đã mô tả Mỹ như một "đế quốc xâm lăng" theo đuổi "chính sách thù địch" để đè bẹp Triều Tiên. Để giữ kiểm soát và thống nhất quần chúng, chính quyền ông Kim vẫn thường nhắc lại ký ức Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, khi Mỹ phá hủy 80% nhà cửa ở nước này, khoảng 20% dân số của họ thiệt mạng.
Trên đường phố và truyền hình Triều Tiên luôn có những biểu ngữ và thông điệp thúc giục người dân chống Mỹ. Từ khi còn nhỏ, trẻ em Triều Tiên đã xem phim hoạt hình có nhân vật con nhím (tượng trưng cho Triều Tiên) chống lại những con sói tà ác (tượng trưng cho Mỹ).
Chính quyền nói với người dân rằng "mối đe dọa" từ Mỹ là lý do Triều Tiên cần vũ khí hạt nhân. Họ kiểm soát tin tức người dân được tiếp cận, kết nối Internet ở Triều Tiên rất hạn chế.
"Chính quyền Kim Jong-un nói rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có khả năng bảo vệ đất nước khỏi 'nguy cơ hiện hữu từ các lực lượng nước ngoài thù địch do Mỹ dẫn đầu'", Noland nhấn mạnh.
Các nhà phân tích đánh giá rằng lời nói của Trump giúp Triều Tiên củng cố cách lập luận đó. "Đây chính xác là điều Triều Tiên luôn nói đến và Trump đã tuyên bố điều đó trước toàn bộ thế giới", Jung H. Pak, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại viện Brookings nói.
Ngoài ra, việc Trump nhạo báng Kim Jong-un sẽ làm tình hình thêm căng thẳng. Trong bài phát biểu, Trump gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên 33 tuổi là "người tên lửa", biệt danh mà Trump đặt cho ông Kim trên Twitter hai ngày trước đó.
Việc công kích cá nhân trực tiếp ông Kim sẽ làm chính quyền và người dân Triều Tiên nổi giận vì họ luôn tôn sùng nhà lãnh đạo.
Quan chức Triều Tiên luôn phản ứng mạnh mẽ trước những công kích cá nhân vào Kim Jong-un. Khi một ủy ban điều tra của Liên Hợp Quốc đề nghị khởi tố ông Kim tại Toà án Hình sự Quốc tế vì tội ác chống lại nhân loại, phái đoàn đại diện của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đã phản đối mạnh mẽ và tham dự các hội nghị để bảo vệ cho lãnh đạo của họ.
"Lời nhạo báng đối với nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên trước cộng đồng quốc tế sẽ làm Bộ Ngoại giao Triều Tiên phải nhảy vào bảo vệ ông Kim, dù ông Kim có ra lệnh hay không", Robert Carlin, cựu chuyên gia phân tích cho CIA về Triều Tiên, nhận định.
Các chuyên gia cho rằng nếu phát biểu của Trump nhằm mục đích răn đe để ông Kim kiềm chế chương trình vũ khí thì thực tế, nó chắc chắn sẽ phản tác dụng.
"Bài phát biểu của ông có thể cho Bình Nhưỡng cái cớ hoặc động cơ để tăng gấp đôi phát triển tên lửa và hạt nhân, có nghĩa là sẽ có nhiều vụ thử hơn nữa", Duyeon Kim, học giả tham gia Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul, nói.
Răn đe là thuyết phục đối phương không thực hiện các hành động nhất định vì có nguy cơ đối mặt với nhiều hậu quả hơn lợi ích, Duyeon Kim nói. Câu hỏi bây giờ là liệu chính quyền ông Kim có xem đe dọa này là thật hay không.
"Bình Nhưỡng có thể cho rằng lời nói của ông ấy là đáng tin và càng tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân. Hoặc Bình Nhưỡng có thể cười nhạo và không coi cảnh báo của ông ấy là nghiêm túc, đó cũng là vấn đề lớn. Chúng ta không biết chắc chắn", bà nói.
Tuy nhiên, Triều Tiên có thể thu được một thông điệp rõ ràng từ bài phát biểu của Trump: Việc ký thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Trump không có nghĩa lý gì bởi vì ông sẽ không tôn trọng nó.
Trump gọi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran là "xấu hổ" và "một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất". Theo thỏa thuận này, Tehran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế. Tổng thống Mỹ đã gợi ý rằng chính quyền ông sẽ sớm rút khỏi thỏa thuận với Iran.
"Việc Trump chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran là dấu hiệu cảnh báo cho Triều Tiên", chuyên gia Pak thuộc viện Brookings nói. "Việc đó sẽ khiến Triều Tiên không muốn đối thoại".
Phương Vũ