Câu chuyện thực hiện giao dịch và chuyển khoản thông qua tương tác không tiền mặt là một ưu thế lớn thời hiện đại. Thế nhưng khi giao dịch chỉ giới hạn trong những khoản tiền nhỏ, đặc biệt là ở cây xăng, thì lợi ích không đáng.
Có một nguyên tắc chung mà mọi người sống ở những đô thị lớn cần hiểu rõ. Đó là do mật độ đông, tập trung nhiều người, thì việc giao dịch không phải chỉ thuận lợi và sự hài lòng của chính bản thân mình, mà còn phải cho những người khác nữa.
Giữa hàng xe xếp hàng, nhiều người chỉ biết có chính mình, thực hiện việc thanh toán qua những công cụ điện tử online, mà thời gian thực hiện chiếm gấp nhiều lần so với việc thanh toán tiền mặt.
Không kể đến việc như đòi phải có wifi từ cây xăng do máy mình không có 3G, 4G, thì việc thực hiện giao dịch không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có thể do thao tác sai, đường truyền không ổn định, hoặc cần thời gian xử lý... trong khi dòng người chờ đợi phía sau ken đặc.
Vậy xét cho cùng: Tiện lợi cho mình nhưng bất lợi cho số đông người, liệu có phải là mục đích của việc thanh toàn tiện lợi mà cả đôi bên: khách hàng và nhà kinh doanh đều hướng tới hay không?
Nhiều bạn trẻ cho biết: sử dụng các "ví tiền online" này vì sẽ được khuyến mãi tặng....vài ngàn hay chục ngàn đồng gì đó, và họ cố tích lũy để....uống ly trà sữa dăm ba mươi ngàn. Và nhìn rộng ra, không chỉ việc đòi thực hiện chuyển khoản ở cây xăng đang đông khách cũng như nhiều nơi đông người chờ đợi khác là bất tiện, mà vô tình còn tạo ra sự hời hợt và ích kỷ với lợi ích chung của những người xung quanh mình.
Về lý, cây xăng - cũng như nhiều nơi bán hàng khác - không chỉ phục vụ cho một khách, và là nhiều khách. Vì vậy, việc khiến khách thoải mái, rút ngắn thời gian chờ đợi...nên được xem là tiêu chí quan trọng nhất. Đừng vì một vài khách riêng lẻ mà khiến số đông khách phải phiền hà.
Cây xăng là nơi tập trung đông người, nhưng mang tính đặc thù hơn hẳn, bởi là nơi có hàng hóa xăng dầu là nguồn gây nguy hiểm cao độ. Vì vậy, việc giải phóng sớm lượng khách hàng tập trung sẽ là yêu cầu cần phải thực hiện. Việc các khách hàng sử dụng thanh toán online, kéo dài thời gian chờ đợi, ùn ứ khách là điều nên tránh.
Hơn nữa, nếu để ý bạn sẽ thấy có một điều bất cập ngay tại cây xăng. Đó là trong khu vực hạn chế ở những trụ xăng, đều có bảng yêu cầu: "Không sử dụng điện thoại".
Chỉ cần bạn móc điện thoại ra khỏi túi quần sẽ bị nhắc nhở ngay. Thế nhưng, khách đổ xăng xong, móc điện thoại, thao tác kết nối để thực hiện thanh toán online thì vô tư, thậm chí nhân viên cây xăng còn tích cực hướng dẫn thao tác. Xét về mặt kỹ thuật, tất cả đều là hành vi "sử dụng điện thoại". Vậy tại sao có chuyện cấm hình thức này nhưng chấp nhận hình thức khác, dù cũng là một bản chất?
Cần cân đối lợi ích chung và riêng, theo tôi, trong xu hướng chung của thanh toán không dùng tiền mặt, vẫn nhất thiết cần có sự hài hòa đối với người sử dụng và cả người cung cấp dịch vụ.
Về người sử dụng: Nếu biết tôn trọng lợi ích chính đáng của mọi người cùng tham gia với mình, thì sẽ biết khi nào dùng hình thức thanh toán phù hợp. Ví dụ như ở cây xăng, chi tiêu số tiền nhỏ, nên sử dụng hình thức tiền mặt nhanh gọn lẹ, nếu có dùng online thì nên dùng thẻ và chuẩn bị sẵn những yếu tố thuộc về cá nhân.
Và chú ý chỉ thực hiện khi lượng khách hàng vắng. Đừng đòi hỏi nơi bán phải phục vụ tận răng.
Về cây xăng: Trước hết phải tuân thủ quy định về việc cầm sử dụng điện thoại dưới mọi hình thức trong phạm vi quy định. Đây là điều tiên quyết. Với hình thức sử dụng thanh toán online khác, nên giành quyền chủ động ở các khoản thời gian phù hợp. Khi lượng khách đông, thông báo rõ chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Võ Khánh Tuyên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.