Hầu như bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra. Có hơn 150 loại virus HPV khác nhau và được truyền từ người này sang người khác trong quá trình tiếp xúc da kề da với bộ phận bị nhiễm bệnh. Các loại virus này cũng gây ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn và cổ họng.
Ở phụ nữ, virus HPV thường gặp nhất là HPV-16 và HPV-18 có thể dẫn đến các tổn thương tiền ung thư, nếu không được điều trị, có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung.
Độ tuổi phù hợp tiêm chủng HPV
Từ năm 2006, vaccine HPV được điều chế thành công và cấp phép lưu hành trên thị trường. Từ khi có vaccine, nhiều trường hợp ung thư cổ tử dung do HPV đã được phòng ngừa. Vaccin HPV có thể tiêm cho bé gái từ 9 tuổi đến trước 26 tuổi và trước khi quan hệ tình dục. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nên bắt đầu tiêm vaccine ở tuổi 11 hoặc 12, bởi vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn ở độ tuổi này.
Theo trang cancer.org (Mỹ), để vaccine HPV hoạt động tốt nhất, điều quan trọng là phải tiêm trước khi tiếp xúc với virus HPV. Đó là lý do tại sao vaccine được khuyến nghị cho trẻ em trước khi các bé lớn lên và quan hệ tình dục. Trẻ em được tiêm vaccine HPV sẽ tạo ra các protein được gọi là kháng thể chống lại virus và có sự bảo vệ lâu dài.
Đối với những người không được tiêm vaccine ở độ tuổi 11-12, khuyến nghị tiêm phòng cho nữ giới là ở độ tuổi 13-26 và nam 13-21 tuổi. Nam giới cũng có thể chủng ngừa đến 26 tuổi. Đối với những người từ 22 đến 26 tuổi chưa tiêm chủng hoặc đã bắt đầu nhưng chưa hoàn thành các mũi tiêm thì vaccine sẽ hoạt động ít hiệu quả hơn.
Hiệu quả của vaccine HPV
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi được cấp phép vào năm 2006 đến nay, có hơn 270 triệu liều vaccine ngừa HPV được cung cấp trên toàn cầu. Vaccine HPV có hiệu quả trong phòng ngừa các bệnh ung thư do HPV gây ra khoảng 70%. Hiện có ba loại vaccine HPV được sử dụng trên thế giới để phòng bệnh.
Ủy ban Tư vấn về An toàn Vaccine Toàn cầu (GACVS) đã nhiều lần xem xét dữ liệu về độ an toàn của vaccine ngừa HPV trên hàng triệu người tại Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển... Các nghiên cứu cho thấy vaccine HPV an toàn. Một số người có tác dụng phụ tạm thời khi họ tiêm vaccine như đau đầu, sốt hoặc đau, đỏ hoặc sưng nơi tiêm thuốc. Trên thực tế, bằng cách ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, vaccine có thể giúp bảo vệ phụ nữ khỏi các vấn đề sinh sản do điều trị ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, có 570.000 ca ung thư cổ tử cung. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của HPV Information Center năm 2018, ung thư cổ tử cung phổ biến thứ ba ở phụ nữ. Mỗi năm, có khoảng 4.177 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong, tức mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt tử vong do căn bệnh này.
Ngọc An