Tôi thì không tán đồng quan điểm của tác giả bài viết Phán xét 'nghèo vì thiếu nỗ lực. Đối với tác giả chỉ có giàu hoặc nghèo, không giàu thì là nghèo và ngược lại, nhưng tác giả quên mất những người khá.
Thật ra, thành phần khá mới là thành phần chủ đạo, đông đúc nhất trong xã hội. Dù xuất phát điểm như thế nào thì nếu nỗ lực hết mình trong cuộc sống, họ không giàu thì cũng chắc chắn không nghèo.
Bản thân tôi vẫn thấy nhiều người xuất phát điểm nghèo khó và mù chữ, nhưng sau nhiều năm nỗ lực thì bản thân họ vẫn có một cuộc sống tươm tất, ổn định. Nếu xã hội ai cũng đổ thừa sự giàu nghèo là do môi trường, do số phận thì xã hội chẳng bao giờ phát triển được.
Thực tế, chúng ta sẽ hiểu tại sao nhiều người làm chục tiếng mỗi ngày vẫn nghèo. Vợ chồng tôi xuất phát điểm 20 năm trước cũng là công nhân, nhưng hiện tại tôi là chủ nhà hàng, vợ tôi là kế toán trưởng cho một công ty lớn trong nước.
Nếu chưa có sự nghiệp ổn định mà có gia đình thì rất khó làm giàu. Bản thân tôi xuất phát điểm là gia đình thuộc diện "xóa đói giảm nghèo" (tức là đáy của xã hội), 22 tuổi làm công nhân, 24 tuổi mới dám có người yêu đầu tiên (trước đó tôi từ chối hết mọi lời yêu đương vì kinh tế không cho phép). 26 tuổi tôi đổi sang công việc công nghệ thông tin, 28 tuổi lên trưởng phòng, 30 tuổi lên giám đốc chi nhánh, 31 tuổi mở một quán ăn, 32 tuổi lấy vợ, 33 tuổi nghỉ việc công ty.
Có những người hưởng thụ trước khi có sự nghiệp ổn định thì họ phải chấp nhận thôi. Chúng tôi không chê họ vì họ nghèo, chúng tôi chê họ vì họ không chịu cách phấn đấu để thoát nghèo.
Người bản lĩnh là phải lo được cho bản thân, lo được cho gia đình. Không ai cấm kết hôn sớm, nhưng sự nghiệp chưa ổn định mà đã đèo bồng vợ con, rồi đổ thừa do gánh nặng gia đình nên không phần đấu được. Đó là những lời ngụy biện.
IT KID
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.