Trả lời:
Về mặt xét nghiệm, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy khá cao khi người nhiễm trong giai đoạn toàn phát (lúc bệnh phát triển rầm rộ nhất), nguy cơ lây nhiễm cao. Tức là, nếu có kết quả test nhanh dương tính thì xác suất nhiễm là rất cao, và người này đang có nguy cơ lây nhiễm mạnh cho người khác.
Tuy nhiên, test nhanh thường không phát hiện được người mới nhiễm hoặc từng mắc Covid-19 đã hồi phục, đây là điểm hạn chế của test nhanh so với với phương pháp RT-PCR. Ở phương Tây, nơi có cúm mùa đang lưu hành, test nhanh có thể cho kết quả dương tính giả, tức là người nhiễm một loại virus cúm mùa khác, không phải nCoV.
Mặt khác, RT-PCR là "tiêu chuẩn vàng" để chẩn đoán Covid-19, được áp dụng để nhập viện, điều trị và có có ý nghĩa pháp lý đối với các đối tượng mua bảo hiểm.
Dù vậy, nếu test nhanh cho kết quả dương tính, cá nhân này nên tự cho mình là F0 và tự cách ly tại nhà, báo cho các trung tâm y tế để có hướng xử lý tiếp theo.
Hiện kỹ thuật test nhanh khá đơn giản, người dân có thể tự làm test nhanh tại nhà khi có bất kỳ các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, đặc biệt là sốt, ho, khó thở, hoặc tiếp xúc với F0, hay người nghi nhiễm. Đối với trẻ em hay quấy khóc thì người nhà cần chú ý hơn, hoặc một số người đang chảy máu cam thì không nên làm ngay.
Người nghi ngờ nhiễm có thể tự thực hiện lấy mẫu cho chính mình, nếu không lấy được dịch tỵ hầu, lấy dịch mũi vẫn cho kết quả tương đối, có thể chấp nhận được.
Nếu lấy giúp người khác trong gia đình, người lấy mẫu cần tối thiểu găng tay, khẩu trang, kính chắn giọt bắn, (có trang phục bảo hộ cấp 1, cấp 2 thì càng tốt, tránh lây nhiễm). Để giữ an toàn cho người lấy mẫu, người được lấy mẫu cần đeo khẩu trang che miệng, chỉ lộ mũi. Người lấy mẫu đứng một bên người nghi nhiễm, tránh tình huống người nghi nhiễm hắt hơi trực diện. Khi lấy mẫu xong rửa tay bằng cồn 70 độ sát khuẩn. Rác thải sau lấy mẫu nên bỏ hết vào túi nilon, cột chặt túi để riêng vào thùng rác thải y tế.
Mỗi bộ test kit bao gồm que lấy mẫu, lọ kèm dung dịch và khay thử. Các bước lấy dịch hầu họng được thực hiện như sau: đưa que chậm, nhẹ nhàng vuông góc với xương mặt, đến khi chạm tỵ hầu bằng cảm giác tay thì ngưng, xoay nhẹ que từ 5-10 vòng rồi rút ra. Cắm que vào lọ chứa dung dịch, khóa nắp lọ, hoặc bóp chặt miệng lọ, xoay nhẹ 5-10 vòng, rồi nhỏ dung dịch vào khay. Đọc kết quả sau 15-30 phút.
Cách đọc kết quả: Khay test phải hiện vạch C (control) thì mới đọc kết quả, nếu không hiện vạch C, test hỏng, cần thực hiện lại. Nếu khay chỉ hiện vạch C (một vạch) thì kết quả âm tính, người này khả năng cao không mắc Covid-19. Nếu khay hiện hai vạch gồm vạch C và vạch T (test), thì kết quả dương tính, người này có khả năng cao đã mắc Covid-19 và cần nhanh chóng tự cách ly tại nhà, báo thông tin tới cơ sở y tế địa phương.
Trung úy, bác sĩ Vũ Đức Hiếu
Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175