Giải thích vì sao cảnh sát không bắn vào tay, chân mà phải bắn vào vùng có thể để lại vết thương chí mạng, tiến sĩ Bill Lewinski (Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu khoa học về lực) cho biết bàn tay và cánh tay là những bộ phận có thể di chuyển nhanh nhất.
Người bình thường có thể đưa tay từ hông tới ngang vai trong 0,18 giây. Trong khi đó, tốc độ nhanh nhất mà cảnh sát viên có thể bóp cò súng ngắn Glock, một trong những khẩu súng bán tự động lên đạn nhanh nhất, là trung bình 0,25 giây mỗi viên đạn. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, cảnh sát khó có thể ngắm và bắn trúng tay hoặc vai nghi phạm dưới áp lực sinh tử.
Phần chân thường di chuyển chậm hơn hoặc ở trạng thái tĩnh hơn tay, nhưng khu vực thân dưới tập trung nhiều mạch máu. Nếu bắn trúng mạch máu quan trọng, cảnh sát mới làm nghi phạm bất tỉnh. Hơn nữa, nghi phạm dù bị thương ở chân vẫn có thể dùng tay để bắn hoặc đánh trả.
Theo David Klinger, cựu cảnh sát thành phố Los Angeles, bang California, không phải vết thương nào cũng có thể lập tức vô hiệu nghi phạm. Từng có trường hợp nghi phạm trúng đạn xuyên phổi và động mạch chủ nhưng vẫn có thể giằng co ít nhất thêm 30 giây nữa. Lúc này, 6 cảnh sát hợp lực mới có thể tước dao và khống chế nghi phạm. Nếu nghi phạm cầm súng, hắn vẫn có thể xả đạn trước khi gục xuống.
Vì vậy, để nhanh chóng dập tắt mối đe dọa, cảnh sát thường được đào tạo bắn vào trọng tâm cơ thể, tức phần thân, vì nghi phạm trúng đạn ở đây sẽ lập tức mất đi độ căng cơ bắp. Hơn nữa, ngắm bắn vào vùng có diện tích lớn hơn sẽ tăng độ chính xác và giảm rủi ro bắn vào người dân vô tội xung quanh, Candace McCoy, giáo sư trường đại học tư pháp hình sự John Jay tại thành phố New York (Mỹ) cho biết.
Ngoài ra, trái với suy nghĩ của nhiều người, cảnh sát bắn để ngăn chặn mối đe dọa, không phải để giết đối phương. Một khi mối đe dọa bị ngăn chặn, cảnh sát sẽ ngừng bắn. Đương nhiên, vẫn có một số trường hợp cảnh sát tiếp tục bắn nhiều phát đạn sau khi mối đe dọa đã được vô hiệu hóa nhưng điều này không phải cố ý.
Theo tiến sĩ Lewinski, hơn 30 năm trước, cảnh sát được dạy phương pháp "bắn rồi đánh giá", tức sẽ bắn 1-2 viên rồi dừng lại xem tình hình. Quá trình này tốn 0,25-0,5 giây, trong lúc đó nghi phạm vẫn có thể tiếp tục nổ súng nếu chưa bị hạ gục.
Hiện nay cảnh sát được đào tạo "bắn và đánh giá", tức vừa bắn vừa xem hiệu quả của viên đạn. Điều này cho phép người cảnh sát có thể liên tục bảo vệ chính mình, nhưng vì bộ não cố làm hai việc một lúc nên chỉ khi tư thế nghi phạm có sự thay đổi rõ rệt (ví dụ ngã nhào ra đất), cảnh sát mới có thể nhận ra sự khác biệt.
Nghiên cứu của tiến sĩ Lewinski chỉ ra quá trình một người đang đứng ngã nhoài ra đất thường tốn 0,67 giây hoặc hơn. Nếu đang bóp cò nhanh nhất có thể dưới áp lực sinh tử, cảnh sát thông thường sẽ bắn thêm 2-3 viên đạn nữa trong khoảng thời gian từ lúc nhận ra sự thay đổi của nghi phạm tới khi ngừng bắn. Vì vậy, việc nổ súng "quá đà" thường xuất phát từ yếu tố vô ý trong hành động con người.
Việc tại sao cảnh sát không bắn bị thương cũng có lý do pháp lý. Theo USA Carry, pháp luật quy định việc nổ súng chỉ được dùng trong tình thế bất đắc dĩ như tính mạng cảnh sát hoặc người dân bị đe dọa. Nhưng nếu cảnh sát nổ súng và cố gắng bắn bị thương, sẽ có người lập luận rằng nếu đã thấy đối phương không nguy hiểm tới mức phải giết chết, vậy đây chưa phải tình thế bất đắc dĩ, hành vi nổ súng khi ấy không được coi là tự vệ mà là cố gắng giết người. Như vậy, việc bắn súng chỉ để gây thương tích sẽ mở rộng trách nhiệm pháp lý đối với cảnh sát.
Ngoài ra, tiêu chuẩn pháp lý cho phép dùng vũ lực chết người đang ở mức rất cao, theo giáo sư McCoy. Nhưng nếu cho phép bắn để gây thương tích, tiêu chuẩn trên sẽ bị hạ thấp. Cảnh sát viên khi đó có thể rút súng ra trong nhiều trường hợp hơn, có thể dẫn tới nhiều cái chết do cảnh sát hơn.
Trong quá khứ, một số nhà lập pháp tiểu bang đã cố giới thiệu dự luật "vũ lực tối thiểu" nhằm yêu cầu cảnh sát chỉ bắn nghi phạm nguy hiểm vào chân hoặc tay. Những dự luật này thường vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm lực lượng chấp pháp vì cho rằng làm nguy hiểm cho cảnh sát trong khi làm nhiệm vụ, đồng thời đặt thêm cho họ gánh nặng pháp lý không hợp lý.
Quốc Đạt (Theo ABC News, Police One, USA Carry)