Nhà văn vừa ra tập Hoa xuân trong gió xuân gồm 19 truyện ngắn chọn lọc về sinh hoạt, tình yêu và những mối quan hệ trong đời sống người Tày, Mông. Dịp này, Đỗ Bích Thúy nói về công việc sáng tác.
- Chị tìm kiếm tư liệu về văn hóa, trang phục, lễ nghi của người miền núi để đưa vào tác phẩm như thế nào?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng dân tộc Tày, Dao. Sau này đi làm báo thì lăn lộn ở vùng Mông. Ban đầu là những cảm nhận thông thường, thấm thía dần dần, thích rồi đến say mê. Tuy nhiên, tôi vẫn thường tâm niệm: Những gì mình biết vốn dĩ chẳng là gì so với đời sống cả và một nhà văn nếu chỉ viết với những gì có sẵn thì một đến hai cuốn sách là hết vốn. Nên suốt quá trình sáng tác chúng tôi luôn phải cùng lúc hai việc: Thu thập tư liệu, bồi đắp vốn sống, hiểu biết, và sáng tác, thu thập được mười thì mới dám đặt bút viết hai, ba. Tìm kiếm tư liệu thì không khó. Hoặc là đi thực tế, điền dã, tự mình tìm lấy trong các vùng văn hóa ấy, hoặc là đọc tài liệu, gặp gỡ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia. Tôi làm cả hai.
- Thông điệp chị gửi gắm về người phụ nữ qua tập truyện ngắn lần này?
- Phụ nữ vùng cao nói chung, phụ nữ là người dân tộc thiểu số nói riêng đều sống vất vả. Họ vất vả trong cái khó khăn chung của đời sống xã hội vùng đất ấy, và lại chồng thêm cái vất vả của lạc hậu, ấu trĩ, lề thói, quan niệm. So với những gì tôi từng viết về thân phận người phụ nữ vùng cao thì thực tế khốc liệt hơn. Tôi muốn bạn đọc hình dung về một vùng văn hóa mà ở đấy người ta khó khăn nhưng sống đẹp, tôi cũng mong muốn bạn đọc soi mình vào cuộc đời những nhân vật của tôi để thấy mình đang sống ra sao.
- Quá trình xây dựng nhân vật của chị ra sao?
- Thường thì tôi nghĩ trước một tứ truyện, rồi tới đề cương, xây dựng hồ sơ nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật. Nhân vật có tính cách và số phận thế nào. Nguyên mẫu trong tác phẩm của tôi không có nghĩa là tôi mang nguyên cuộc đời của họ vào trong sách, tôi thường chỉ lấy cảm hứng từ một điều gì đó. Cũng có những người xuất hiện nhiều lần trong nhiều tác phẩm, mỗi khi xây dựng một nhân vật nữ tôi lại nghĩ đến họ. Nhưng ở những sáng tác khác nhau thì cuộc đời của nhân vật lấy cảm hứng từ nguyên mẫu ấy lại khác nhau.
- Vì sao điểm xuyết trong tập truyện về miền núi lại có những truyện ngắn viết về Hà Nội?
- Đến bây giờ tôi đã sống ở Hà Nội 23 năm. Tôi cũng có những năm sống ở một khu phố cũ, với những người Hà Nội cũ. Tôi thích cái hình dung của mình về một thủ đô cũ như thế, phố nhỏ, nhà cửa chật hẹp, những con ngõ tối và ẩm ướt, những số nhà có nhiều căn hộ, người phụ nữ Hà Nội giữ nếp xưa, tinh tế và trang nhã. Và vì thích nên tôi có viết một vài truyện ngắn về nơi này, viết một chút chứ không có ý định viết nhiều hơn. Tôi tự biết mình hiểu về Hà Nội rất ít, và nếu để viết thì tôi chỉ như một ngọn cỏ trong công viên đầy cây cổ thụ.
- Sau khoảng thời gian tập trung cho tiểu thuyết, lý do chị trở lại với thể loại truyện ngắn?
- Tôi bắt đầu với văn chương và cũng được bạn đọc biết tới nhờ truyện ngắn. Tuy nhiên sau khoảng mười năm chỉ viết thể loại này tôi bắt đầu viết tiểu thuyết. Năm nay tôi in một tập vì những truyện viết gần đây chưa in vào tập sách nào, tôi tập hợp chúng lại với nhau. Một phần, tôi cũng muốn làm một phép thử xem bạn đọc có còn thích truyện ngắn của mình hay không. Viết xong bất cứ tác phẩm nào, dù là tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn, tôi cũng tâm đắc với chúng. Tôi vẫn thường nghĩ, mỗi tác phẩm dù dài hay ngắn, hay hay dở, tôi đối với chúng mà nói, như một bà mẹ với những người con. Mà con nào mẹ cũng yêu thương như nhau. Tất nhiên, có những truyện sau một thời gian đọc lại tôi lại muốn thay đổi một điều gì đó, một chi tiết hay phần kết truyện bởi tư duy mỗi giai đoạn mỗi khác.
- Trước ý kiến ngày nay độc giả của thể loại truyện ngắn đang thưa dần so với trước đây, chị có nhận định gì?
- Độc giả nói chung của tất cả thể loại sách đều đang ít đi. Đây là câu chuyện toàn cầu chứ không riêng gì chúng ta. Internet, các thiết bị điện tử, mạng xã hội, có quá nhiều thứ chi phối, hấp dẫn khiến người ta lơ là với những cuốn sách. Trong bối cảnh ấy, in sách văn học vẫn có bạn đọc với tôi là một điều cực kỳ hạnh phúc.
- Chị mong chờ điều gì cho những tác phẩm tiếp theo?
- Tôi còn nhiều thứ muốn viết, nhưng tôi luôn nghĩ rằng khả năng sáng tạo của con người ta cũng có giới hạn. Chẳng ai dám chắc mình cứ giữ mãi được phong độ hay sự yêu mến trong lòng bạn đọc. Tôi cũng giống như những nhà văn khác, mong mỏi lớn nhất là được độc giả chờ đón mỗi khi chuẩn bị in một cuốn sách mới. Miệt mài viết mà không có người đọc thì buồn lắm.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy, 49 tuổi, hiện sống ở Hà Nội. Chị từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội trong 10 năm. Nữ nhà văn nổi tiếng qua các tác phẩm đề tài miền núi như Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (2005) được chuyển thể thành phim điện ảnh Chuyện của Pao, tiểu thuyết Chúa đất (2015) và bộ phim dựa trên tác phẩm cùng tên Lặng yên dưới vực sâu (2017).
Châu Anh