Chúa đất là cuốn sách thứ 16 và tiểu thuyết thứ tư của Đỗ Bích Thúy. Tác phẩm ra mắt được ba tháng, nhận nhiều phản hồi tích cực trong làng văn. Một buổi tọa đàm tổ chức hôm 13/1 tại Hà Nội, để những người yêu mến tác phẩm cùng thảo luận, trò chuyện.
Đỗ Bích Thúy cho biết tiểu thuyết được phôi thai từ câu chuyện gắn với cây cột đá đang trưng bày tại bảo tàng Hà Giang. Truyền thuyết kể rằng chúa đất Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang là một kẻ hung ác, sống cách đây khoảng 200 năm. Ông có một người vợ bé xinh đẹp, nhưng vì tính ghen tuông nên ông không bao giờ cho vợ ra khỏi nhà. Cây cột đá hiện đặt tại bảo tàng Hà Giang) là công cụ để ông treo đến chết bất kỳ người đàn ông nào dám trêu ghẹo vợ mình.
Từ truyền thuyết ấy, Đỗ Bích Thúy viết nên tiểu thuyết hấp dẫn với nhiều nhân vật cá tính và tạo nên giá trị nhân văn. Tác giả nói chị hoàn thành tác phẩm trong vòng 17 ngày. Hỏi chị làm việc như nào, tác giả nói chị viết ở mọi nơi. "Trước đây, tôi phải chọn không gian yên tĩnh, chỉ có một mình và thường ngồi úp mặt vào tường mà viết cho khỏi phân tán. Nhưng từ khi có hai con gái, tôi thấy mình không thể chờ đủ điều kiện mới sáng tác, mà viết ở bất kỳ đâu. Tôi viết thậm chí trong các cuộc họp ở cơ quan".
Song song với tiểu thuyết, Đỗ Bích Thúy cũng hoàn thiện kịch bản phim truyện nhựa Chúa đất theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh.
Tiểu thuyết của tác giả Tiếng đàn môi sau bờ rào đá nhận sự yêu thích và đánh giá tích cực từ làng văn. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: "Chúa đất thể hiện rõ nét năng lực tưởng tượng của nhà văn. Một truyền thuyết cách nay 200 năm được phục dựng bằng ngôn từ trong một hình hài sinh động. Nếu không có sự trợ giúp của trí tưởng tượng mãnh liệt, năng lực hư cấu vượt trội thì liệu tác phẩm để lại được gì trong lòng độc giả?".
Nhà văn Sương Nguyệt Minh đánh giá: "Những năm trước, văn của Thúy có sự óng ánh, mượt mà, tới nay chị đã bớt độ lóng lánh nhưng sâu sắc hơn. Trong Chúa đất, chị tạo ra một hệ thống nhân vật, mỗi nhân vật một cá tính riêng biệt, phức tạp. Nếu văn học miền núi không có những Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Đỗ Bích Thúy thì không biết mảng đề tài này sẽ thiếu vắng biết bao. Họ làm đẹp hơn, sang hơn cho văn học đề tài miền núi".
Nhà phê bình, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận đi sâu phân tích hệ thống nhân vật trong Chúa đất. Ông nói trong tiểu thuyết nhân vật nào cũng sống động, cũng ẩn chứa một bi kịch. Bi kịch nhất thuộc về người giàu có, quyền lực nhất là Sùng Chúa Đà. Theo nhà phê bình, nhân vật Vàng Chở kết cục bi thảm nhưng lại hạnh phúc. Cô là bông anh túc rực rỡ nhất thung lũng Đường Thượng, sống hết mình cho tình yêu, không biết sợ, không ân hận. Đến khi chết, cô vẫn bình thản tỉ mẩn làm cho mình thật đẹp trước khi bị treo lên cột đá.
Nhà thơ Ngô Tự Lập chia sẻ niềm vui khi đọc cuốn sách: "Khi đang đọc Chúa đất, tôi nghĩ đây là một kiệt tác. Nhưng khi kết thúc, tôi hạ tác phẩm xuống một bậc, cho rằng đây là một tiểu thuyết hay. Cái kết của tác phẩm trở nên 'kịch', làm mất tính hoàn hảo. Có lẽ do sức ép của huyền thoại mà tác giả phải chọn cái kết ấy. Tôi đón chờ một kiệt tác sau của Đỗ Bích Thúy".
Lam Thu