Cái tên Djokovic không còn quá xa lạ đối với những người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới, ngay cả những người không quá quan tâm đến quả banh nỉ. Người ta biết đến anh là một trong những tay vợt vĩ đại nhất của quần vợt thế giới.
Vào ngày 12/09 vừa qua, nếu Djokovic đánh bại được Daniil Medvedev trên sân Arthur Ashe, chắc có lẽ người ta đã bỏ cụm từ "một trong những" để chính thức công nhận anh là tay vợt vĩ đại nhất của làng banh nỉ thế giới.
Bởi nếu làm được điều đó anh sẽ vượt qua hai đại kình địch là Roger Federer và Rafael Nadal để trở thành tay vợt có số danh hiệu Grand Slam nhiều nhất trong lịch sử. Đồng thời trở thành tay vợt đầu tiên lập lại kỷ lục Calendar Grand Slam (đoạt tất cả 4 danh hiệu Grand Slam trong cùng một năm) của Rod Laver sau 42 năm, kỷ lục duy nhất còn lại của các bậc tiền bối mà chưa một tay vợt nào trong Kỷ nguyên Mở có thể san bằng hoặc vượt qua.
Nếu làm được điều đó thì tất cả mọi thông số, mọi so sánh của Djokovic đều vượt lên trên Federer và Nadal. Khi đó thì còn lý do gì để người ta không bỏ luôn cụm từ "một trong những"?
Nhưng đúng lúc chuẩn bị bước chân qua ngưỡng cửa lịch sử ấy thì Djokovic lại đánh mất một trong những vũ khí quan trọng nhất đã làm nên tên tuổi của anh. Đó là bản lĩnh và tâm lý thi đấu.
Không phủ nhận Medvedev đã có một ngày thi đấu quá xuất sắc. Trong một ngày mà dường như mọi thứ đều chống lại Djokovic, trừ sự cổ vũ của khán giả, thì Medvedev đã có tất cả. Từ sự lì lợm, hiệu quả trong lối chơi, sự xuất sắc trong các cú đánh cho đến thứ vũ khí lợi hại và vượt trội của Djokovic, đó là bản lĩnh thi đấu, thì Medvedev cũng làm tốt hơn Djokovic và tốt hơn hẳn so với chính bản thân mình.
Tay vợt người Nga thường nổi nóng và hay bị khán giả tác động, nhưng tại Arthur Ashe hôm ấy lại là một Medvedev khác hẳn. Anh lạnh như tảng băng, làm ngơ trước sự cổ vũ của khán giả dành cho Djokovic, bỏ ngoài tai sự la ó của khán giả dành cho mình để điềm tĩnh kết thúc những đường bóng trong sự bất lực của Djokovic và những người ủng hộ anh. Nhưng nếu Djokovic vẫn giữ được cái đầu lạnh của mình thì có lẽ Medvedev đã không có được sự điềm tĩnh ấy.
Thế trận cũng sẽ không diễn ra một chiều như vậy và biết đâu bây giờ các trang thể thao lớn nhỏ của thế giới đã ngập tràn hình ảnh của Djokovic cùng dòng chữ GOAT thật lớn. Nhiều người nói rằng Nole đã quá quen thi đấu dưới sự cổ vũ của khán giả dành cho đối thủ, hôm đó anh thấy lạ lẫm và không quen khi khán giả làm ngược lại nên đã thi đấu dưới phong độ.
Tất nhiên đó chỉ là nói vui, còn thực chất áp lực của sự kỳ vọng mới chính là thứ làm Nole đánh mất chính mình, chính tượng đài Rod Laver ngồi trên khán đài VIP hôm ấy cùng với kỷ lục của ông mới là thứ chống lại Nole. Kỷ lục Calendar Grand Slam của Rod Laver là hòn đá cực nặng đè lên tâm lý thi đấu của Djokovic. Anh đã mơ về nó khi hạ được Nadal ở Roland Garros 2021, và đã thấy giấc mơ đó ở gần hơn bao giờ hết khi hai đại kình địch bị chấn thương phải nghỉ thi đấu đến hết năm.
Nếu đoạt được kỷ lục này chắc chắn sẽ không còn một lời tranh cãi nào, kể cả những người không thích Nole cho đến các đối thủ trực tiếp của anh là Federer và Nadal, để công nhận rằng anh là GOAT. Nole cũng biết rằng bây giờ hoặc có thể sẽ không bao giờ có cơ hội ngàn vàng để làm được điều này, bởi anh đã 34 tuổi, sự vươn lên mạnh mẽ của các tay vợt Next Gen và có thể là sự trở lại của Nadal ở Roland Garros ở các mùa giải sau.
Đó là áp lực tâm lý không dễ vượt qua, ngay cả một người được tôn vinh là bậc thầy tâm lý trong thi đấu như Nole. Kỷ lục số danh hiệu Grand Slam để vượt lên Federer và Nadal thì anh còn rất nhiều cơ hội làm được và có thể anh sẽ làm được ngay trong năm tới nên nó không tác động nhiều đến tâm lý thi đấu của Nole. Ngay sau trận chung kết US Open, Djokovic cũng xác nhận là mặc dù anh rất buồn nhưng cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trút bỏ gánh nặng sau nhiều tháng bị tâm lý dồn nén. Đó chính là mặt trái của sự kỳ vọng.
Nếu so sánh Djokovic và Nadal, người ta sẽ thấy toàn sự tương phản giữa hai con người này. Từ lối chơi, tính cách cho đến cách đi đến những danh hiệu. Nếu Nadal chưa từng đập một cây vợt hay có hành động nổi nóng đến mất kiểm soát trong suốt sự nghiệp thi đấu của mình, thì số những cây vợt là vật tế thần cho những cơn nóng giận và giải tỏa tâm lý của Djokovic đếm không xuể.
Nếu Nadal từng nói rằng anh không thể nào kém vui chỉ vì hàng xóm có căn nhà đẹp hơn, có chiếc xe sang hơn, thì Djokovic luôn nêu các thành tích của người khác để phấn đấu. Nếu Nadal luôn bảo rằng tôi không vĩ đại nhất cũng không sao, tôi không quan tâm đến các kỷ lục, thì Djokovic luôn công khai muốn mình trở thành vĩ đại nhất, luôn tuyên bố rằng sẽ phá vỡ kỷ lục này, san bằng kỷ lục kia.
Nhiều người phê phán Nadal giả tạo. Đã là con người mà lại là vận động viên chuyên nghiệp đỉnh cao thì ai lại không mơ đến những danh hiệu, đến những kỷ lục. Nhưng đó chính là cách Nadal cởi bỏ áp lực cho mình. Có lẽ những thành công của Nadal đến từ cách như vậy.
Những thành công của Djokovic lại đến từ cách anh luôn đặt ra trong đầu những danh hiệu và làm mọi cách để đạt được. Cái gì cũng có hai mặt của nó, tự đặt mục tiêu cho mình để làm động lực phấn đấu, nhưng nó cũng là một áp lực khủng khiếp nếu không vượt qua được. Sau này khi nói đến quần vợt, nhắc đến Djokovic, nhắc đến sự cạnh tranh của "Big 3" người ta sẽ còn nói nhiều về một năm 2021 đầy hiển hách nhưng cũng đầy tiếc nuối của Djokovic. Anh đã bỏ qua hai cột mốc khi đã có cơ hội quá tốt để bước lên ngồi chễm chệ trên ngai vàng của quần vợt thế giới một cách hiên ngang và đầy thuyết phục, đó là Calendar Grand Slam và Career Golden Slam (đoạt cả 4 Grand Slam và HCV Olympic trong cùng một năm).
Có thể một số người sẽ xem nhẹ HCV Olympic, thế nhưng đó lại là giấc mơ của tất cả các VĐV trên toàn thế giới này. Và thử hỏi một tay vợt lẫy lừng, một tay vợt đứng nhiều tuần nhất ở vị trí số 1 thế giới như Djokovic mà không thể đem nổi về cho đất nước mình một chiếc HCV, không thể đưa vào bộ sưu tập của mình môt danh hiệu có ý nghĩa như thế thì chính anh cũng thấy bản thân mình còn thiếu sót để trở thành GOAT. Dường như cơ hội để Djokovic đeo tấm HCV Olympic trên cổ là không còn, 3 năm nữa anh đã 37 tuổi, dù anh còn thi đấu thì một lứa Next Gen hùng hậu phía sau có dễ dàng để một ông già làm chuyện đó hay không?
Việc tham dự cả hai nội dung đơn và đôi trong thời tiết được mô tả như lò lửa ở Tokyo, trong bối cảnh đã dồn hết sức cho 3 danh hiệu Grand Slam trước đó cũng là sự tham lam của Djokovic. Không phủ nhận anh muốn đem vinh quang về cho đất nước, nhưng cá nhân anh cũng muốn sánh ngang với Nadal ở đấu trường Olympic, để không một thành tích nào của Nadal mà anh bị lép vế khi đã trở thành GOAT. Tay vợt Tây Ban Nha đã có 1 HCV đơn nam tại Olympic Bắc Kinh 2008 và 1 HCV đôi nam tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Để rồi tất cả đều tuột khỏi tầm tay của Djokovic.
Ngay cả sự tận hiến cho thể thao nước nhà, tinh thần đồng đội mà trước nay anh vẫn thường được ca ngợi cũng được đưa ra mổ xẻ khi anh bỏ đánh trận tranh huy chương đồng nội dung đôi nam nữ vì cho rằng tinh thần đã xuống đến mức thấp nhất sau trận thua ở bán kết nội dung đơn. Bây giờ thì đối với những khán giả trung lập chưa ai dám bỏ cụm từ "một trong những" khi nói về sự vĩ đại của Nole.
Bởi Calendar Grand Slam anh chưa làm được, số danh hiệu Grand Slam – thước đo quan trọng nhất cho sự vĩ đại của một tay vợt anh cũng chưa vượt qua được Federer và Nadal, HCV Olympic – danh hiệu tự hào, thể hiện sự tận hiến của một VĐV cho đất nước anh cũng chưa có. Thật sự quá đáng tiếc cho Nole. Ai cũng có cách giải quyết của riêng mình. Không phải cách nào cũng đúng tuyệt đối và cũng phải cách nào cũng sai hoàn toàn.
Chỉ tiếc rằng ở thời khắc quan trọng Djokovic đã bị áp lực của sự kỳ vọng, của sự vĩ đại đè nặng lên đôi tay và đôi chân của mình. Một áp lực mà phàm đã là con người thì mấy ai đủ bản lĩnh để vượt qua.
Lê Minh Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.