Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng và sân golf Mar-a-Lago ở bang Florida, miền nam nước Mỹ, một lần nữa trở thành tâm điểm lo ngại bảo mật thông tin tình báo nước này.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) trong đợt khám xét dinh thự Mar-a-Lago tuần trước đã thu thập hàng chục thùng hồ sơ, trong đó có một số tài liệu mật, dù cựu tổng thống Donald Trump cương quyết khẳng định ông không làm gì sai và mọi giấy tờ đều đã được giải mật trước khi ông mang chúng khỏi Nhà Trắng.
Khu nghỉ dưỡng triệu USD của ông Trump ở Florida không khác gì cơn đau đầu "kinh niên" đối với cộng đồng tình báo và an ninh quốc gia Mỹ suốt những năm ông làm tổng thống và gần hai năm sau khi mãn nhiệm.
Một số cựu trợ lý của ông Trump cho rằng khu nghỉ dưỡng ở Palm Beach này là nơi thể hiện rõ nhất mức hỗn loạn trong cách cựu tổng thống Mỹ lưu giữ tài liệu và thông tin mật.
Bầu không khí hội hè, đủ mọi thành phần khách ra vào câu lạc bộ và người chủ thích buôn chuyện là công thức "ác mộng" đối với mọi kế hoạch giữ bí mật thông tin của giới chức an ninh Mỹ, theo chia sẻ của một cựu quan chức tình báo.
Aki Peritz, cựu chuyên viên phân tích chống khủng bố của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói Mar-a-Lago bắt đầu trở thành lỗ hổng tình báo từ ngày Trump tuyên bố tranh cử tổng thống và thắng như chẻ tre trong các vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.
"Nếu bạn là dân tình báo, dù thuộc nước thân thiện hay không thân thiện với Mỹ, bạn sẽ tập trung nguồn lực vào lỗ hổng này", Peritz cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên dinh thự trị giá hơn 350 triệu USD, theo ước tính của Forbes, làm cộng đồng tình báo Mỹ lao đao. Thành viên Cơ quan Mật vụ Mỹ có nhiệm vụ kiểm tra an ninh ở Mar-a-Lago, xác minh danh tính người ra vào và không cho người lạ mang vũ khí xuất hiện trong khuôn viên khu dinh thự. Tuy nhiên, họ không có trách nhiệm bảo vệ tài liệu mật hay ngăn chặn thế lực bên ngoài tìm cách tạo ảnh hưởng trong khu nghỉ dưỡng này.
Quy định cấm chụp ảnh trong phòng tiệc của Mar-a-Lago cũng thường xuyên bị khách mời và thành viên câu lạc bộ làm ngơ. Vào tháng 2/2017, khi ông Trump tiếp Shinzo Abe, người khi đó là thủ tướng Nhật Bản, tại Mar-a-Lago, Triều Tiên bất ngờ phóng thử tên lửa, buộc lãnh đạo hai nước cùng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia họp khẩn tại chỗ.
Những khách mời còn lại trong buổi tiệc nhanh chóng nhận ra đây là cơ hội có một không hai để tận mắt chứng kiến một buổi họp ứng phó khủng hoảng quốc tế. Không ít người lấy điện thoại ghi lại hình ảnh lịch sử này.
Các trợ lý của ông Trump nói rằng ông đã sử dụng lều bảo mật, còn được gọi là Cơ sở Bảo mật Thông tin Nhạy cảm (SCIF), để nhận thông tin cập nhật về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Lãnh đạo Mỹ, Nhật sau đó chỉ thảo luận công khai về các vấn đề cho buổi họp báo.
Lều SCIF được làm bằng chất liệu bí mật, có thể chặn mọi tín hiệu phát ra, có thể là từ máy tính xách tay, radio hay điện thoại, nhằm bảo mật thông tin của những người dự họp bên trong.
Thế nhưng, hình ảnh do khách dự tiệc ở Mar-a-Lago đăng trên mạng xã hội cho thấy lãnh đạo hai nước đã bày nhiều tài liệu trên bàn ăn. Các trợ lý ngồi cùng họ, làm việc trên máy tính xách tay, trong khi ông Trump trao đổi bằng điện thoại di động cá nhân. Phụ tá của hai lãnh đạo phải bật đèn flash trên điện thoại để họ đọc tài liệu.
Một sự cố bảo mật thông tin khác diễn ra cũng trong năm 2017, khi Trump dùng tiệc tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago. Ông rời buổi tiệc một lúc, sử dụng SCIF để họp về kế hoạch phóng tên lửa tập kích Syria. Sau khi trở lại bàn ăn, ông thông báo cho Chủ tịch Trung Quốc về chiến dịch, khi hai người đang dùng bánh chocolate.
Sau một số sự cố rò rỉ hình ảnh, Mar-a-Lago áp dụng quy định mới, hạn chế thành viên câu lạc bộ golf có mặt ở khu nghỉ dưỡng khi ông Trump đến đây. Những người đăng ký đặt chỗ phải được duyệt trước hai tuần và số lượng khách đi cùng thành viên câu lạc bộ cũng bị giới hạn.
Dù vậy, đội phụ tá Trump vẫn không thể kiểm soát được tổng thống sẽ nói chuyện với những ai khi ông về nghỉ dưỡng ở dinh thự. Ngay cả những cố vấn cấp cao nhất cho tổng thống cũng "lực bất tòng tâm", vì Mar-a-Lago vốn không kiểm soát danh sách người ra vào chặt chẽ như cơ quan công quyền.
John Kelly, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, từng tìm cách thiết lập kỷ luật thông tin ở Mar-a-Lago nhưng bất thành. Ông sau đó thừa nhận với đồng nghiệp rằng tìm hiểu Trump đã nói chuyện với những ai tại khu nghỉ dưỡng có lẽ hiệu quả hơn là ngăn ông tán gẫu với mọi người.
Kelly cũng xây dựng một hệ thống quy củ hơn về kiểm soát tài liệu mật, nhưng ông Trump không phải lúc nào cũng tuân thủ những quy định này. Mỗi khi cần đọc tài liệu mật ở Mar-a-Lago, ông không phải lúc nào cũng sử dụng lều bảo mật.
Trump cũng không muốn thay đổi thói quen chia sẻ những thông tin mà chỉ ông mới biết được. Năm 2017, ông tiết lộ thông tin mật với quan chức Nga tại Nhà Trắng về âm mưu khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa bị Israel phát hiện. Năm 2019, ông tung lên Twitter ảnh chụp vệ tinh tuyệt mật về vụ nổ bệ phóng tên lửa ở Iran.
"Trump là một tổng thống khó làm việc cùng, nếu như bạn muốn vừa cung cấp thông tin cho ông ấy, vừa bảo vệ nguồn tin hay phương thức thu thập tình báo. Bạn không muốn ông ấy buột miệng hay vô tình nhắc đến một thông tin nào đó mà đối thủ của chúng ta có thể lợi dụng, để rồi truy lùng thành công điệp viên phe mình", Douglas London, cựu quan chức chống khủng bố CIA thời Trump, nói.
Mick Mulvaney, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng thứ ba trong 4 năm ông Trump cầm quyền, nói cựu tổng thống Mỹ thường nhận báo cáo tình báo trên thiết bị điện tử, nhưng ông đôi khi đòi giữ bản cứng một số báo cáo mật.
"Tổng thống sẽ có lúc hỏi: 'Tôi giữ tài liệu này được không'. Chúng tôi phải tổ chức nhiều nhóm phụ tá để đảm bảo ông ấy không bỏ quên tài liệu hoặc không mang về phòng riêng. Ông ấy muốn sử dụng chúng. Dù gì thì đó cũng là đặc quyền tổng thống", Mulvaney nói.
Năm 2019, Yujing Zhang, một nữ doanh nhân 33 tuổi đến từ Thượng Hải, bị bắt khi tìm cách xâm nhập khu nghỉ dưỡng. Vào thời điểm bị khống chế, Zhang mang theo 4 điện thoại di động, một máy tính xách tay, một ổ cứng di động và một USB. Hồ sơ của cơ quan công tố tiết lộ phòng khách sạn của Zhang có nhiều thiết bị điện tử đáng ngờ, trong đó có máy dò camera ngụy trang, cùng hàng nghìn USD tiền mặt.
Lu Jing, công dân Trung Quốc, cũng bị bắt cùng năm với cáo buộc trà trộn vào Mar-a-Lago. Trong lần đầu chạm mặt nhân viên an ninh, Jing bị yêu cầu rời khỏi khuôn viên dinh thự, nhưng người này sau đó vẫn quay lại Mar-a-Lago chụp ảnh. Cơ quan điều tra không xác định được động cơ của hai công dân Trung Quốc. Lu Jing được kết luận vô tội, trong khi Yujing Zhang lĩnh án 8 tháng tù.
Nỗi đau đầu của tình báo Mỹ không chấm dứt khi Trump rời Nhà Trắng vào tháng 1/2021. Ông chọn đưa gia đình về Mar-a-Lago, cùng với đó là hàng chục thùng carton được đóng gói vội vàng trong Nhà Trắng vào những ngày cuối nhiệm kỳ.
Một số nguồn tin thân tín với Trump nói quá trình chuyển đồ khỏi Nhà Trắng diễn ra gấp rút là do cựu tổng thống không chấp nhận bắt đầu các hoạt động này từ sớm. Ông không muốn gửi tín hiệu chấp nhận thất cử và khi đó dồn sức cho cuộc chiến pháp lý để "lật kèo" bầu cử tại nhiều bang chiến trường.
Chỉ đến khi Trump nhận thấy không còn khả năng đảo ngược kết quả, ông mới cho người đóng gói tư trang và tài liệu chuyển về Florida theo cách thiếu quy củ nhất có thể.
John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói ông Trump giữ rất nhiều thứ trong những tập hồ sơ cá nhân, vốn không nằm trong hệ thống phân loại thông thường hoặc được đưa riêng cho ông trong các buổi báo cáo tình báo.
"Tôi cho rằng trong những ngày cuối hỗn loạn ở Nhà Trắng, vì đến phút chót ông ấy mới nhận ra mình phải dọn đi, nhân viên chỉ còn cách vứt hết mọi thứ vào thùng, trong đó có nhiều tài liệu chưa được phân loại cấp độ mật được cựu tổng thống giữ lại trong hơn bốn năm cầm quyền", Bolton nói.
Trong những thùng tài liệu mà FBI thu thập ở đợt khám xét vừa qua, một số được chuyển đến Mar-a-Lago vào thời điểm nhiệm kỳ của ông Trump đã kết thúc. Danh mục tài liệu bị tịch thu trong đợt khám xét còn xuất hiện "tài liệu tuyệt mật" và "Thông tin về Tổng thống Pháp", theo nội dung lệnh khám xét được công bố tuần qua.
Lệnh khám xét của Bộ Tư pháp Mỹ nêu ít nhất ba nghi vấn đối với cựu tổng thống Mỹ, gồm vi phạm Đạo luật Tình báo, cản trở thi hành pháp luật và vi phạm hình sự về lưu giữ tài liệu chính phủ.
Ông Trump khẳng định đã dùng đặc quyền hành pháp để giải mật mọi hồ sơ được mang từ Nhà Trắng về Mar-a-Lago và điều này diễn ra trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông không cung cấp được bằng chứng nào cho thấy quá trình giải mật đã diễn ra theo đúng quy định.
"Tôi chỉ bất ngờ là các đặc vụ không thu thập được nhiều tài liệu hơn nữa từ Mar-a-Lago", Bolton nói.
Thanh Danh (Theo CNN)