Tôi chẳng thấy mất gì sau bảy năm dùng mạng xã hội. Thậm chí cái được là kết nối với bạn bè gần xa, thỉnh thoảng rảnh có thể ngồi lướt mạng cho đời bớt lo âu. Đôi khi gia đình có lễ tiệc thì chia sẻ lên vài bức hình cho vui... "Cứ nghĩ đơn giản vậy cho đời thanh thản, có chút sống ảo cho đời bớt điên đảo", tôi quan niệm như thế.
Thực ra, sống ảo chẳng có gì là xấu. Nhà tôi ngày trước, khi chưa dùng mạng xã hội, vợ không nhớ nổi sinh nhật của chồng và tôi cũng chẳng nhớ được ngày sinh của vợ. Giờ chơi mạng xã hội, cứ tới kỷ niệm là được báo, con gái đặt bánh, vợ làm mồi nhắm cho cả nhà nhậu một chầu "tới bến". Tôi vẫn có thói quen thực hiện thủ tục chụp hình đăng mạng xã hội trước rồi ăn nhậu sau. Vợ chồng con cái quây quần lại, tôi thấy rất hạnh phúc và lãng mạn.
Mạng xã hội sẽ ghi nhớ và nhắc nhở chúng ta những khoảng khắc đó hằng năm để chúng ta nhớ rằng phải luôn đối xử với người thân của mình tốt hơn. Không những thế, khi dùng mạng xã hội, chúng ta cũng có thể tương tác với bà con, họ hàng ở xa nhanh chóng và thuận tiện hơn. Ở quê có đám giỗ, đám cưới gì là anh em, bà con thường gọi video lên cho tôi, rất vui mà không tốn tiền.
Nói tóm lại, việc bạn dùng mạng xã hội hay không đều là quyền cá nhân và sở thích của mỗi người. "Hễ ra đường là thấy cứ mười người Việt lại có bảy người dùng mạng xã hội; trong ba người còn lại thì có hai người ở vùng sâu, vùng xa chưa có smartphone", đây là thống kê của một start-up mà tôi vừa xem trên truyền hình. Mạng xã hội với nhiều tiện ích, giúp chúng ta tương tác được nhiều hơn với bạn bè, người thân và cộng đồng, vậy cớ sao lại không dùng?
>> Mạng xã hội là nơi khoe khoang sự hoàn hảo
Theo một nghiên cứu gần đây, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng mạng xã hội. Trong hơn 20% còn lại, có 15% số người chưa sử dụng smartphone. Rất nhiều người dùng những tiện ích của mạng xã hội để giúp người. Hôm qua, nghệ sĩ Quyền Linh đã livestream trong vòng hai tiếng và bán được 600 tấn vải cho người dân Bắc Giang... Đó chẳng phải lợi ích của mạng xã hội sao?
Tôi cho rằng, chỉ vài người cổ hủ mới nói "không" với mạng xã hội theo kiểu cực đoan như vậy mà thôi. Bạn bè tôi từ giám đốc, bác sĩ, đến nhà giáo... đều dùng mạng xã hội. Nó cũng giống như ngoài đời thực, luôn có những cái được và mất, cái xấu và tốt... Điều quan trọng nhất là bạn có phải người dùng thông minh hay không? Nếu có, chắc chắn bạn sẽ hơn hẳn những người sợ mặt xấu của mạng xã hội mà không dám dùng.
Trong xã hội công nghệ thông tin hiện nay, như Thomas Friedman gọi là "thế giới phẳng", một người hoàn toàn có thể kết nối với một người khác ở bên kia bán cầu chỉ bằng một cú nhấp chuột, hay ngồi một chỗ cũng biết được tất cả các sự kiện trên thế giới. Nhưng sự thật đáng buồn là chúng ta, những người trẻ với khả năng nắm bắt công nghệ nhanh chóng, khả năng học hỏi không giới hạn lại bỏ qua cơ hội tận dụng món quà giá trị này, thậm chí còn để nó làm chúng ta thụt lùi và thất bại.
Cũng từ đó, người ta hay nói nhiều đến tác hại của việc lạm dụng mạng xã hội, nạn lừa đảo, anh hùng bàn phím... Từ đó, người ta hay đổ thừa và nhìn nhận mạng xã hội, sống ảo dưới góc nhìn tiêu cực, có hại nhiều hơn là lợi.
Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại và dù muốn dù không ta vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những sản phẩm của công nghệ hiện đại như mạng xã hội.
Việc của chúng ta là chủ động để nó ảnh hưởng một cách có ích nhất cho cuộc sống mỗi người, chấp nhận thay đổi và tận dụng chúng một cách thông minh chứ không phải chối bỏ một cách cực đoan.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.