Viêm xoang cấp tính khi không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không triệt để, lâu ngày chuyển thành mãn tính.
Viêm xoang mũi mạn tính được chia thành 2 thể bệnh:
Thể phế khí suy hư
Các triệu chứng thường gặp là nghẹt mũi, chảy nhiều nước mũi trắng nhầy, niêm mạc mũi dày, gặp lạnh càng nặng hơn, đau đầu, chóng mặt, thở ngắn, tay chân lạnh, người mệt mỏi, không có sức, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.
Nên dùng những thực phẩm có tác dụng làm ấm phổi, bổ phế, trừ phong, trừ hàn, thông mũi như gừng tươi, củ hành, hành tây, củ sả, rau hẹ, rau kinh giới, rau húng quế, tía tô, bạc hà, hoắc hương, rau diếp cá.
Canh tôm, củ cải trắng
Củ cải trắng 150 g, đậu hũ 100 g, tôm đất 100 g, giá đậu xanh 50 g, gừng 3 g, hành 5 g, tỏi 5 g, dầu ăn 30 g, muối một ít.
Củ cải trắng rửa sạch, cắt miếng; giá đậu xanh rửa sạch, bỏ rễ; đậu hũ rửa sạch, cắt miếng vuông; tôm rửa sạch, bóc vỏ, giã dập; gừng cắt lát, hành cắt khúc, tỏi bỏ vỏ xắt lát.
Đun nồi nóng, cho dầu vào, khử gừng, hành cho thơm. Cho 1.000 ml nước vào nấu sôi với củ cải trắng bằng lửa lớn. Sau đó cho các thứ còn lại vào nấu bằng lửa nhỏ đến khi chín, nêm gia vị vừa ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần, trong bữa cơm.
Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ phế, ích khí, thích hợp với người bị viêm xoang mũi, suy nhược cơ thể do phế khí suy hư. Có thể thay củ cải trắng bằng rau hẹ, bí đỏ, cà rốt, khoai lang bí, khoai mài.
Canh thịt heo, cà tím, dưa leo
Thịt heo nạc 100 g, cà tím 100 g, dưa leo 80 g, tỏi 10 g, hành 5 g, dầu mè 30 g, muối một ít.
Dưa leo rửa sạch, cắt miếng; cà rửa sạch, cắt miếng; thịt heo rửa sạch, cắt miếng; hành cắt khúc ngắn; tỏi bỏ vỏ giã nát.
Để nồi nóng đổ dầu vào, khử hành cho thơm, rồi xào sơ thịt heo đã ướp tỏi. Sau đó cho nước vào nấu sôi, rồi bỏ các thứ nấu thêm chừng 20 phút là được. Một ngày ăn 1 lần, dùng trong bữa cơm.
Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ khí huyết, thích hợp với người bị viêm xoang mũi, suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ.
Trà củ sen, nho, mía, củ năng
Củ sen 200 g, củ năng 200 g, lê 200 g, mía 1 khúc 1 kg, nho 200 g, mật ong 100 g.
Củ sen, lê, củ năng, nho, rửa sạch, cho vào máy ép vắt lấy nước; mía cắt khúc, ép lấy nước, hoà 2 thứ nước lại, cho thêm mật ong vào.
Nấu sôi với lửa lớn, sau đó vặn lửa nhỏ, nấu đến khi nước hơi sệt lại. Cất vào lọ thủy tinh. Khi uống pha thêm chút nước nóng, ngày uống 2 lần trong lúc bụng đói, mỗi lần uống khoảng 50 ml.
Món này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ phế, ích khí tiêu đàm, thông mũi, thích hợp với người bị viêm xoang mũi, suy nhược cơ thể, ăn uống kém, mất ngủ.
Rau chân vịt (cải bó xôi) xào nấm tuyết (ngân nhĩ)
Rau chân vịt 200 g, nấm tuyết 20 g, gừng 5 g, hành 10 g, tỏi 10 g, dầu mè lượng thích hợp, muối một ít.
Rau chân vịt rửa sạch, cắt khúc, dùng nước sôi trụng sơ, để ráo nước; nấm tuyết ngâm nước, làm sạch, bỏ cuống, xé thành sợi; gừng, tỏi cắt lát, hành tỉa hoa.
Để chảo nóng, cho dầu mè vào, chờ dầu nóng cho hành, gừng vào khử cho thơm; bỏ rau chân vịt, nấm tuyết vào xào chín là được, nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn trong bữa cơm.
Món ăn này có tác dụng bổ phế, thông mũi, trừ đàm, trị ho, hạ huyết áp.
Thể tỳ khí suy hư
Các triệu chứng thường gặp là nghẹt mũi nặng, chảy nhiều nước mũi trắng dính hoặc vàng đặc, niêm mạc mũi dày, chóng mặt, thở ngắn, ăn uống kém, bụng đầy, tiêu lỏng, tay chân nặng nề, người mệt mỏi, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng.
Nên dùng những thực phẩm có tác dụng kiện tỳ, ích khí, lợi thủy, trừ thấp, thông mũi như ý dĩ, củ nghệ vàng, khoai mài, củ từ, hạt sen, củ sen, đậu ván, đậu đỏ, tàu hủ ky, đậu hủ, rau diếp cá, rau sam, bắp, gạo lứt, sắn dây, khoai lang bí, khoai mỡ, khoai tía, khoai sọ, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, củ dền...
Trà rau cần, táo đỏ
Rau cần tây 150 g rửa sạch cắt nhỏ, táo đỏ 2 trái rửa sạch bỏ hột, trà ngon 3 g. Cho tất cả vào nồi nấu 1 lít nước, sắc còn 750 ml, uống thay nước trà trong ngày.
Công dụng làm êm dịu thần kinh, an thần. Thức uống này thích hợp với người bị viêm xoang mũi, suy nhược thần kinh, ăn uống kém, mất ngủ, tăng huyết áp.
Cháo gạo lứt, rau chân vịt, rau cần tây
Gạo lứt 80 g, rau chân vịt 250 g, rau cần tây 250 g.
Rau chân vịt, rau cần rửa sạch, cắt khúc, gạo vo sạch. Nấu gạo thành cháo, rồi bỏ hai thứ rau trên vào nấu sôi thêm 10 phút là được. Mỗi ngày ăn 1 lần vào lúc đói bụng.
Món cháo này có tác dụng dưỡng huyết nhuận táo. Thích hợp với bệnh viêm xoang mũi mạn tính, người cao huyết áp bị táo bón, tiểu không thông.
Cháo gạo lứt, cà tím
Cà tím 50 g rửa sạch cắt miếng; khoai mài 50 g ngâm mềm, cắt miếng; gạo lứt 80 g vo sạch. Cho các thứ trên vào nồi nấu thành cháo. Trước tiên dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm 30 phút. Ăn mỗi ngày 1 lần.
Món cháo này có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, có ích cho người bị viêm xoang mũi mạn tính, người bị cao huyết áp.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM