Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Thư ký Hội Tiêu hóa Nhi khoa Việt Nam, trẻ em ở giai đoạn từ 1 – 3 tuổi, cơ thể đã đủ cứng cáp, các cơ và khớp đã phát triển đáng kể. Bé bắt đầu tập đi chập chững và ngày càng vững vàng hơn. Nhờ vậy, các em ngày càng linh động và chủ động hơn trong quá trình học hỏi, khám phá thế giới bằng cách vận dụng tất cả các giác quan để ngắm nhìn, lắng nghe, nhận biết mùi vị, sờ chạm những vật xung quanh mình.
Các hoạt động kích thích giác quan ở giai đoạn này sẽ mang đến cho trẻ những trải nghiệm quan trọng giúp tăng cường kỹ năng nhận thức, là yếu tố quan trọng để giúp bé phát triển trí não. Vì vậy cha mẹ cần phải tạo nhiều cơ hội để con sử dụng các giác quan của mình khám phá và học hỏi qua tương tác với môi trường xung quanh.
Thị giác
Trong giai đoạn này, trẻ phát triển kỹ năng thị giác thông qua việc quan sát những hình ảnh của vật thể và con người xung quanh. Khả năng tập trung theo dõi của bé cũng tốt hơn. Các em còn có thể tương tác với hình ảnh vật thể hay con người xung quanh bằng cách vừa nhìn vừa chỉ trỏ khi đang chập chững đi.
Mẹ hãy thường xuyên đọc sách cho bé nghe và chỉ vào những hình ảnh khi đang đọc. Như thế vừa giúp gắn bó tình cảm mẹ con, vừa giúp bé phát triển khả năng quan sát, liên kết hình ảnh với tên gọi, sự kiện… Hoạt động này đặc biệt giúp ích cho bé trong việc tăng cường các kết nối thần kinh.
Bên cạnh đó cần khuyến khích sự phát triển thị giác của trẻ qua các hoạt động vẽ hình, pha màu, tô màu. Hãy cho bé dùng những chất liệu màu, dụng cụ mỹ thuật an toàn, để con tự do tưởng tượng và tư duy bằng hình ảnh. Hoạt động này vừa giúp cho mẹ và bé tận hưởng khoảng thời gian sáng tạo thật thú vị, đồng thời khám phá năng khiếu nghệ thuật tiềm ẩn của con trẻ.
Những hoạt động ngoài trời, trong công viên, những trò chơi trong sân chơi chung là môi trường tốt giúp bé phát triển, tăng sự phối hợp giữa mắt và tay, luyện những phản xạ phối hợp giữa các giác quan và cơ thể.
Thính giác
Lúc này trẻ đã bắt đầu học và hiểu được ngôn ngữ thông qua giao tiếp hằng ngày với bố mẹ và người thân. Khoảng 2 tuổi, bé có thể nói được những cụm từ 2-3 chữ, biết “đòi” một điều gì đó ví dụ như nói “bế, bế” khi đòi bố mẹ bồng ẵm.
Cha mẹ nên vui chơi cùng bé, tăng cường giao tiếp bằng cách chỉ cho con những đồ vật khác nhau và gọi tên của đồ vật như lục lạc, cái muỗng, cái ghế… Dần dần, bé sẽ học được sự liên kết giữa các đồ vật đó và tên của chúng.
Mẹ cũng nên đọc cho con nghe những bài thơ, đồng dao có vần điệu. Qua đó, dạy cho bé biết về cách phối hợp ngôn ngữ với nhau, cách gieo vần và phát triển khả năng ghi nhớ. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được đọc truyện cho nghe từ thời thơ ấu, khi lớn lên sẽ có vốn từ vựng phong phú hơn.
Khứu giác và thị giác
Khoảng 2 tuổi, trẻ có thể học được cách cầm muỗng, cầm ly một tay, tự bốc ăn nhiều. Mẹ hãy kích thích khứu giác của bé bằng cách cho con thử ngửi mùi một số loại thực phẩm khác nhau, quen thuộc trong bếp để bé nhận biết mùi. Ví dụ, mùi quả cam, táo, xoài, chocolate… Lưu ý, không cho bé ngửi các loại thực phẩm và gia vị cay như tiêu, ớt và để tránh gây khó chịu mắt và mũi.
Xúc giác
Xúc giác là giác quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển trí não của bé thông qua sự học hỏi và ghi nhớ các trải nghiệm xúc giác. Điều này không những ảnh hưởng đến những hành vi tạm thời mà còn đến những tố chất tinh thần và cảm xúc về lâu dài.
Bố mẹ nên cùng con chơi các trò vận động đồ chơi phù hợp với độ tuổi để bé có thể tự do khám phá thông qua việc sờ, chạm và tạo ra những trải nghiệm phong phú về xúc giác. Những trải nghiệm này sẽ giúp các em hình thành nhận thức rõ ràng hơn về hình dạng vật thể, kích thước, cân nặng, chất liệu, nhiệt độ, thậm chí nhận thức được vật liệu đó có an toàn hay không, có khả năng làm đau hay không.
Chế độ dinh dưỡng
Ở giai đoạn này, bé sẽ bắt đầu tự khám phá, tương tác với môi trường xung quanh nhiều hơn nên cần được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu để đáp ứng đủ năng lượng cho quá trình học hỏi và phát triển. Chẳng hạn như:
Sắt, kẽm, axit Folic: Giúp phát triển vị giác, khứu giác, xúc giác và tăng khả năng miễn dịch, đồng thời kích thích thèm ăn.
- Axit Folic có nhiều trong cam, sữa, chế phẩm từ sữa, măng tây, rau bina, bông cải xanh, lòng đỏ trứng, đậu tương, khoai tây, ngũ cốc thô, quả bơ.
- Sắt có trong chuối, các loại hạt sấy khô như hạnh nhân, hướng dương, hạt bí, óc chó, hạt lanh, cháo bột yết mạch, quả chà là, súp lơ xanh, thịt bò, rau bina, mật ong, bí ngô, lòng đỏ trứng gà, ngao, nước cam.
- Kẽm có trong ngũ cốc, mầm lúa mì, hạt bí ngô, hạt vừng, thịt, động vật có vỏ, hạt bí thường, trái cây, các loại rau, chocolate đen, rau chân vịt, nấm, các loại hạt.
DHA, Lutein, Taurine: Giúp phát triển trí não, thị giác và thính giác, bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh độc hại và những tác hại của quá trình oxy hóa.
- DHA có trong sữa mẹ, sữa công thức, cá, các loại quả hạt.
- Lutein có trong rau xanh đậm còn có trong các loại bí, cải xà lách, ớt chuông đỏ, sữa công thức.
- Taurine có trong cá, thịt, sữa mẹ, tảo biển, cua, tôm, ốc xà cừ, trai đỏ, mực, sữa công thức.
Choline, Photpho-lipid: Hỗ trợ cho quá trình truyền xung thần kinh, tăng tốc độ xử lý thông tin, giúp bé học hỏi và ghi nhớ tốt hơn.
- Choline có trong trứng, thịt bò nạc, súp lơ, đậu phộng…
- Photpho-lipid có trong lòng đỏ trứng, thịt, bơ, sữa, bắp cải.
Thi Ngoan