Trả lời:
Bạn mắc bệnh viêm mũi dị ứng (VMDƯ). Bệnh có thể xuất hiện theo mùa (thường là vào mùa đông - xuân, do bụi phấn hoa) hoặc xuất hiện quanh năm (do bụi lạ, lông chó, lông mèo, bụi từ ga trải giường, chăn màn, quần áo).
Bệnh này không có thuốc đặc trị, nhưng vẫn có thể làm cho bệnh trở nên ổn định trong một thời gian dài. Xin giới thiệu 3 nhóm thuốc điều trị VMDƯ chính:
1. Các thuốc kháng histamin:
- Loại cũ : Chlorpheniramin (gây buồn ngủ).
- Loại mới : Astemizol, Tergenadin, Clarytine, Acrivastin (không gây buồn ngủ).
Những thuốc này chống được chảy nước mũi, nước mắt, hắt hơi nhưng hầu như không chống được ngạt mũi.
Chú ý: Không được dùng cùng một lúc Astemizol, Tergenadin với các kháng sinh nhóm macrolid (như Erythromycine, Clarythromycine...) và các loại thuốc kháng nấm phổ rộng như Ketoconazol vì có thể gây loạn nhịp tim.
2. Các thuốc chống ngạt mũi
Các thuốc này làm co mạch, giảm xung huyết ở niêm mạc mũi, do đó chống được ngạt mũi:
- Thuốc nhỏ mũi Naphazolin (biệt dược Rhinex) dùng dung dịch nhỏ mũi 0,05% hay 0,1%. Thuốc này độc đối với toàn thân nên không dùng cho trẻ dưới 15 tuổi.
- Thuốc nhỏ mũi Xylomethazolin:
- Biệt dược Nazoline và Efinasex, dung dịch nhỏ mũi 0,05% dùng cho người lớn.
- Biệt dược Otrivin, dùng cho cả người lớn và trẻ em.
Các loại thuốc này đều không nên dùng quá 3 ngày.
- Thuốc xịt mũi Phenylephrin (biệt dược Humoxal), chỉ dùng cho người lớn. Mỗi lần nhỏ một bên mũi. Ngày nhỏ không quá 5 lần. Đợt dùng không quá 10 ngày. Không được dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi, người bị bệnh glaucom (tăng nhãn áp), người đang dùng thuốc hạ huyết áp (loại Guaethinidin, Bromocriptin) hoặc đang dùng thuốc chữa bệnh trầm cảm như IMAO.
Nhóm thuốc này làm mất triệu chứng ngạt mũi, nhưng cảm giác này rất nhanh chóng qua đi, mũi sẽ ngạt nhanh hơn và nặng hơn. Người ta gọi hiện tượng này là "tác dụng dội ngược" hay "viêm mũi do thuốc". Vì thế chỉ nên dùng chúng khi thật cần thiết (ngạt mũi kéo dài, gây mất ngủ, khó thở) và không dùng kéo dài hay quá liều chỉ dẫn.
Với phụ nữ có thai và trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, thuốc nhỏ mũi an toàn nhất mà vẫn chống được ngạt mũi là dung dịch nước muối sinh lý (Natri clorua 0,9%). Mỗi lần nhỏ 3-4 giọt, 2-4 lần/ngày.
3. Thuốc Corticoid:
Có thể dùng Corticoid tại chỗ (bơm thuốc vào mũi bằng phương pháp khí dung). Cách điều trị này hiệu quả hơn nhiều so với thuốc uống hay tiêm cùng liều mà lại ít gây tác dụng phụ đối với gan.
Một số biệt dược hay gặp: Beclomethason, Funisolide, Bunesonide và mới hơn Fluticason. Hiệu quả của chúng không khác nhau lắm và tác dụng phụ cũng tương tự như nhau. Các biểu hiện khô ngứa mũi họng, nhạt miệng, mất mùi và chảy máu mũi nhẹ sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.
Chú ý:
+ Người lớn: Mỗi năm điều trị 1 tháng.
+ Trẻ em: Nếu VMDƯ theo mùa thì chỉ dùng khi có bệnh, còn nếu bị thường xuyên thì không nên dùng.
+ Phụ nữ có thai: Nên hạn chế dùng. Khi thật cần thiết, bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định. Chưa có bằng chứng là thuốc gây quái thai hay có tác dụng phụ nguy hiểm.
Nếu mũi quá ngạt thì thuốc xịt không đến nơi được. Lúc đó, nên dùng Corticoid có tác dụng toàn thân (uống hay tiêm) một thời gian ngắn cho hết ngạt mũi rồi mới dùng thuốc xịt, kết quả sẽ tốt hơn. Cần chú ý, thuốc dạng uống hay tiêm chỉ bổ sung mà không thay thế hoàn toàn thuốc nhỏ mũi hay xịt.
Nếu VMDƯ theo mùa thì nên dùng thuốc uống để tiện điều chỉnh liều theo mức độ dị ứng. Thuốc hay dùng là Prednisolon 5-25 mg. Với liều đã được chỉ định, chỉ uống một lần vào buổi sáng sẽ ít tác dụng phụ hơn là chia làm nhiều lần.
Nếu VMDƯ quanh năm thì nên dùng thuốc tiêm có tác dụng chậm như Metylprednisolon 40-80 mg.
Chú ý:
+ An toàn nhất là mỗi đợt dùng không quá 2 tuần và 3 tháng mới dùng một lần.
+ Không nên dùng Corticoid uống và tiêm cho trẻ em, phụ nữ có thai hoặc các trường hợp bệnh lý khác như tiểu đường, glaucom, viêm giác mạc do virus, loãng xương nặng, tăng huyết áp, lao hoặc bị các bệnh nhiễm trùng nặng khác.
+ Không được tiêm Corticoid tác dụng chậm vào cuống mũi đang phù nề vì có thể gây mù mắt.
Bùi Văn Uy, SK&ĐS.