Năm 2008 tôi từng bị hội chứng Marfan, đã thay van động mạch chủ và đoạn động mạch chủ lên. Hiện nay tôi bị bệnh phình động mạch chủ bụng mức độ nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ Bệnh viện tim Hà Nội có chỉ định là chỉ điều trị nội khoa, còn nếu có điều kiện kinh tế thì đặt stent.
Xin hỏi chi phí phẫu thuật đặt stent là bao nhiêu? Nếu có bảo hiểm thì được chi trả bao nhiêu? Xin chân thành cám ơn. (Luân).
Trả lời:
Hội chứng Marfan là một bệnh di truyền, ảnh hưởng lên mô liên kết của toàn cơ thể. Trong cơ thể con người, mô liên kết gắn kết các tế bào của toàn cơ thể lại với nhau, nói một cách dễ hiểu, nó giống như xi măng dùng để kết dính những viên gạch xây nên một bức tường. Do đó khi các mô liên kết bị mất chức năng, các cơ quan trong cơ thể sẽ trở nên thiếu gắn kết, yếu ớt, lỏng lẻo, dễ vỡ.
Bởi vì mô liên kết hiện diện ở khắp cơ thể nên hội chứng Marfan sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong như xương, khớp, tim, mạch máu, mắt... Riêng ở mạch máu, biểu hiện thường gặp là phình động mạch chủ.
Động mạch chủ là một mạch máu có dạng hình ống, dẫn máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể. Khi một đoạn nào đó của nó phình to ra, thành mạch sẽ trở nên mỏng hơn và khi to đến một kích thước nhất định, nó sẽ vỡ ra gây tử vong do mất máu ồ ạt. Như vậy trên ống động mạch chủ bị bệnh, sẽ có đoạn bị phình to ra, 2 đoạn trên chỗ phình và dưới chỗ phình có thể vẫn giữ kích thước hình ống bình thường.
Nguyên tắc của đặt stent graft (ống ghép) cho phình động mạch chủ là sử dụng một ống ghép đủ dài, có đường kính đầu trên và đầu dưới vừa khít với đoạn động mạch chủ trên và dưới chỗ phình như mô tả ở trên. Việc này tương tự như đặt một ống nước nhỏ hơn vừa khít trong lòng một ống nước bị vỡ.
Khi đó 2 đầu của ống ghép phải dính sát vào đoạn động mạch chủ bình thường ở trên và đoạn dưới chỗ phình, máu sẽ chảy qua ống ghép mà không đi vào túi phình nữa, nên nguy cơ vỡ túi phình sẽ không còn. Do đó, muốn ống ghép không bị trôi, không để máu len giữa ống ghép và thành động mạch chủ thì thành động mạch đoạn trên và dưới túi phình phải chắc chắn. Điều này là không thể trong trường hợp của anh.
Do thành động mạch chủ của anh, ngay cả ở đoạn bình thường, cũng rất yếu ớt do bệnh mô liên kết. Vì thế, nếu đặt stent graft, nguy cơ thất bại rất cao, do thành mạch không đủ chắc để giữ chặt ống ghép nên nó có khả năng bị trôi hay bị rò do máu len vào giữa thành mạch máu và ống ghép. Trong y học gọi tình trạng này là endoleak type I.
Theo quan điểm của tôi, phẫu thuật thay túi phình bằng ống ghép mạch máu nhân tạo có thể là phương pháp hợp lý nhất với trường hợp của anh. Phương pháp này mặc dù vẫn có nguy cơ, tuy nhiên khả năng thành công cao hơn so với đặt stent graft với tỷ lệ thất bại có thể thấp hơn nguy có vỡ tự nhiên của túi phình.
Cần nói thêm, nguy cơ vỡ với túi phình động mạch chủ bụng 60-69 mm là 10-20%, và một khi vỡ tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Do đó, với đường kính túi phình lớn nhất trên 60 mm, anh nên đến bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu để được điều trị đúng phương pháp.
Bệnh của anh là bệnh di truyền qua gene trội, khả năng anh con bị bệnh giống anh là 50% có nghĩa là anh sinh 2 con thì có thể có một cháu mắc bệnh. Hy vọng anh có thể đến gặp chúng tôi để được đánh giá toàn diện và chính xác hơn.
Thân mến.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Phong
Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM