Các nguồn thạo tin tiết lộ cựu tổng thống Donald Trump đang ngày càng khó chịu trước cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol do Ủy ban 6/1 của Hạ viện Mỹ tiến hành. Trump dường như lo ngại Ủy ban 6/1 sẽ sớm hướng mũi dùi vào mình vì vụ bạo động tại nhà quốc hội gần một năm trước.
Trump vài tuần qua thường xuyên cằn nhằn về cuộc điều tra, yêu cầu đội ngũ cố vấn giải thích vì sao cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows chia sẻ cho Ủy ban 6/1 quá nhiều thông tin lẫn tư liệu liên quan tới vụ bạo loạn. Ông cũng không hài lòng khi hàng chục cựu trợ lý đã chấp nhận hợp tác điều tra với ủy ban mà không làm như cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon, người phớt lờ mọi trát đòi cung cấp lời khai của Ủy ban 6/1.
Nguồn thạo tin cho biết Trump cũng rất bực tức khi truyền thông đưa tin tiêu cực về mình. Khi bản tin về cuộc điều tra được phát trên các kênh truyền hình, Trump chỉ trích Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm thiểu số ở Hạ viện, không đủ năng lực nên không đưa được người thân tín vào Ủy ban 6/1 để bảo vệ ông.
Những thông tin trên không khác mấy cách Trump từng phản ứng về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ và nghi án đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông "thông đồng" với Moskva. Dù đã hai lần bị Hạ viện đòi luận tội và đều được Thượng viện tha bổng, Trump lần này không khỏi bất an trước những chuyển biến nhanh chóng của cuộc điều tra bạo loạn Đồi Capitol, theo bình luận viên Hugo Lowell của Guardian.
Lời kể của những nguồn tin thân cận với Trump, trong đó có những trợ lý đương chức, cho thấy cựu tổng thống Mỹ ngày càng bất an và thu mình lại với bên ngoài. Người phát ngôn của Trump không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin này.
Tuy nhiên, sức nóng từ cuộc điều tra sẽ ngày càng tăng với Trump, khi nó dự kiến bước sang giai đoạn điều trần công khai trong năm 2022. Bộ Tư pháp Mỹ cũng thông báo sẽ theo dõi sát sao cuộc điều tra của Hạ viện.
Trump dường như lo ngại ông sắp đối diện giai đoạn sóng gió về pháp lý trong năm sau, dù ông luôn khẳng định mình không làm gì sai khi đề cập những cách lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 hay khuyến khích người ủng hộ kéo tới Đồi Capitol. Ông tìm cách viện dẫn đặc quyền hành pháp để ngăn ủy ban điều tra tiếp cận dữ liệu nội bộ Nhà Trắng những tháng cuối nhiệm kỳ, nhưng liên tiếp bị bác bỏ ở các tòa án liên bang.
Trump xem đây là dấu hiệu đáng báo động cho tương lai. Ông không thể tiếp tục dựa vào đặc quyền hành pháp của nhiệm kỳ trước và vị thế pháp lý của ông cũng không còn bất khả xâm phạm sau khi mãn nhiệm. Ủy ban điều tra mỗi tuần lại thu thập thêm nhiều thông tin bất lợi cho cựu tổng thống.
Cuộc điều tra lần này tại Hạ viện không chỉ mở ra khả năng thay đổi luật bầu cử Mỹ, mà còn tiềm ẩn nguy cơ Trump bị truy tố. "Bộ Tư pháp Mỹ sẽ rất quan tâm đến những bằng chứng do ủy ban thu thập, đồng thời tìm kiếm nhân chứng cho một vụ án có thể được điều tra", Ryan Goodman, cựu công tố viên đặc biệt tại Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện là giáo sư luật tại Đại học New York, nhận định.
Goodman đánh giá kết quả cuộc điều tra của Hạ viện và các phiên điều trần công khai là tìm ra những cá nhân sẵn sàng đứng ra làm chứng và họ sẽ trở thành nhân chứng quan trọng với công tố viên Bộ Tư pháp Mỹ.
Tính đến đầu tuần này, ủy ban điều tra Hạ viện đã thu thập hơn 30.000 tài liệu và 250 tin báo thông qua đường dây tiếp nhận tố cáo. Các điều tra viên hy vọng sẽ sớm phỏng vấn, lấy lời khai hơn 300 cựu quan chức chính quyền tiền nhiệm và những người từng làm việc cho Trump.
Dù ủy ban chưa tìm thấy bằng chứng trực tiếp cho thấy mối liên hệ giữa Trump với cuộc bạo loạn, cuộc điều tra vẫn gây ra nhiều rủi ro cho cựu tổng thống Mỹ.
Các tin nhắn của Meadows có thể được dùng để chứng minh đội ngũ của Trump hiểu rõ cáo buộc gian lận bầu cử là sai sự thật nhưng vẫn khởi kiện khắp nơi để ngăn Biden nhậm chức.
"Họ đã chuẩn bị một chiến lược cho Bộ Tư pháp, chiến lược cho cơ quan lập pháp cấp bang, cho quan chức bầu cử cấp bang, cho phó tổng thống. Họ còn có chiến lược bạo loạn", một thành viên ủy ban điều tra tiết lộ các bằng chứng mới về mối liên hệ giữa đội ngũ của Trump và vụ bạo loạn Đồi Capitol.
Ngoài cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, một số thành viên cấp cao trong chính quyền tiền nhiệm, trong đó có cựu quyền cố vấn an ninh quốc gia Keith Kellogg và cựu chánh văn phòng phó tổng thống Marc Short, đã chấp nhận hợp tác điều tra.
Trump không còn quyền lực hành pháp để ngăn cản quá trình thu thập chứng cứ của ủy ban điều tra, như những gì từng làm với công tố viên đặc biệt Robert Mueller và cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử.
"Ông ấy đang dần nhận ra cựu tổng thống không còn nhiều quyền lực như thời ở Nhà Trắng. Chiến thuật mà Trump từng dùng trước đây sẽ không còn hiệu quả sau khi ông mãn nhiệm", Daniel Goldman, cựu luật sư tham gia nỗ lực luận tội Trump lần thứ nhất vào năm 2018, nhận định.
Trung Nhân (Theo Guardian)