Clarence Nishihara vẫn nhớ rõ cảnh tượng những quả bom hạt nhân phát nổ từ khi còn bé. Lớn lên ở Hawaii trong thập niên 1950 và 1960, ông thường xuyên nhìn thấy những chớp sáng xanh phát ra từ các vụ thử bom nhiệt hạch ở quần đảo Bikini trên Thái Bình Dương. "Vào buổi đêm, chớp nổ sáng rực bầu trời. Các khách sạn trong vùng còn tổ chức tiệc bom cầu vồng cho du khách vừa uống rượu vừa ngắm bom hạt nhân nổ", Nishihara kể lại.
Giờ đây, khi đã trở thành thượng nghị sĩ bang Hawaii, Nishihara gần như đã lãng quên ký ức hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đó. Nhưng với vụ báo động tên lửa nhầm hôm 14/1, ông và người dân Hawaii một lần nữa cảm thấy hơi thở của thảm họa hạt nhân đang cận kề, đặc biệt là trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng, theo Esquire.
Trong vụ báo động tên lửa hạt nhân hồi cuối tuần, một nhân viên ở Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii kích hoạt nhầm nút báo động, khiến người dân hoảng loạn khi nhận được thông báo một đòn tấn công hạt nhân sắp giáng xuống khu vực. Tuy nhiên, trong trường hợp có một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thực sự bay tới quần đảo này, nhân viên trực ở Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii không phải là người đầu tiên nhận ra mối đe dọa.
Người dân Hawaii hoảng hốt trong báo động nhầm hôm 14/1. Video: AFP.
Nếu Triều Tiên thực sự phóng tên lửa hạt nhân về phía Hawaii, quân đội Mỹ là lực lượng đầu tiên phát hiện cuộc tấn công và nhanh chóng xác minh thông tin, đồng thời truyền thông tin cho Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA).
Các lá chắn tên lửa ở Alaska và California sẽ được kích hoạt để đánh chặn tên lửa, nhưng không thể đảm bảo thành công 100%. Trong trường hợp lá chắn bị xuyên thủng, FEMA sẽ lập tức phát báo động tới cơ quan quản lý khẩn cấp và nhà chức trách các bang. Nếu quả tên lửa đang hướng tới Hawaii, các quan chức quân sự sẽ nhanh chóng gọi điện cho kíp trực Cơ quan Quản lý Khẩn cấp bang đang làm việc trong căn hầm sâu trên sườn núi bên ngoài Waikiki.
Trong khi đó, những kế hoạch ứng phó khẩn cấp cũng được kích hoạt nhằm di tản các lãnh đạo quốc gia bằng trực thăng đặc biệt. Họ sẽ được đưa tới các hầm ngầm, chẳng hạn như hầm ngầm Raven Rock của Lầu Năm Góc có quy mô như một thành phố nhỏ tại bang Pennsylvania, hay sở chỉ huy của FEMA tại núi Weather ở Virginia. Số khác sẽ được đưa lên các sở chỉ huy trên không, chẳng hạn như máy bay "Ngày tận thế" của Tổng thống.
Các cảnh báo về vụ tấn công sẽ được FEMA phát ra từ Hệ thống Cảnh báo và Báo động Tích hợp (IPAWS), trong khi hệ thống Báo động Khẩn cấp Vô tuyến sẽ lập tức ngắt các chương trình truyền thanh, truyền hình đang phát để đưa ra thông điệp báo động. Các mạng lưới khác, chẳng hạn như đài truyền thanh thời tiết của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng phát đi cảnh báo của riêng mình.
Với phần lớn người dân ở Hawaii cũng như bất cứ thành phố lớn nào của Mỹ có nguy cơ bị đe dọa, lời khuyên được FEMA đưa ra rất đơn giản: "Đi vào trong nhà, ở nguyên trong nhà, giữ liên lạc".
Vài phút trước khi quả tên lửa giáng xuống, người dân Hawaii gần như phải hoàn toàn tự cứu lấy mình. "Bộ tư lệnh Thái Bình Dương phải mất khoảng 5 phút để xác định vụ phóng tên lửa, tìm hiểu hướng bay của nó và liên lạc với chúng tôi", Vern Miyagi, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii, cho biết. "Có nghĩa là chúng tôi chỉ cảnh báo trước được cho người dân 12-13 phút".
Theo các chuyên gia, quãng thời gian này chỉ đủ cho người dân chạy vào trong nhà hay rời bỏ xe cộ để nấp vào các công trình kiên cố hơn. Các bộ phận bằng nhựa trên xe hơi sẽ không thể bảo vệ được họ trước tia bức xạ chết người.
Trong trường hợp được cảnh báo trước vài giờ hoặc vài ngày về nguy cơ Triều Tiên tấn công tên lửa, nhà chức trách cũng không thể ra lệnh sơ tán quy mô lớn. Việc di chuyển hàng triệu hoặc hàng trăm nghìn người trong thời gian ngắn như vậy sẽ là cơn ác mộng về hậu cần, làm gia tăng nguy cơ khiến người dân mắc kẹt trong những hoàn cảnh còn nguy hiểm hơn so với việc họ ở lại nhà.
Điều quan trọng là với Hawaii, không ai dám chắc địa điểm sơ tán nào là an toàn. Tên lửa hạt nhân Triều Tiên có thể giáng xuống bất cứ khu vực nào ở quần đảo, trong khi các hệ thống lá chắn của Mỹ chưa đủ độ tin cậy để xác định chính xác nơi tên lửa sẽ rơi.
Sống sót qua thảm họa
Khi nói đến "tấn công hạt nhân", chúng ta thường nghĩ tới những kịch bản tận thế, nơi mọi thứ bị san phẳng và hủy diệt. Tuy nhiên, tên lửa hạt nhân Triều Tiên có sức nổ chỉ khoảng 10-12 kiloton, không đủ để gây ra sức tàn phá lớn như thế. "Phần lớn người dân trong một thành phố lớn sẽ sống sót sau một vụ nổ hạt nhân như vậy", Brooke Buddemeier, chuyên gia về ứng phó thảm họa hạt nhân tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, cho biết.
Năm 2009, FEMA vạch kế hoạch ứng phó với một vụ nổ khủng bố bằng bom hạt nhân có đương lượng 10 kiloton, tương đương quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Trong kịch bản này, mọi thứ trong vòng 800 mét từ tâm nổ sẽ bị hủy diệt, nhưng phần lớn những người ở ngoài bán kính này sẽ thoát chết, dù họ có thể bị thương nặng bởi sóng xung kích, nhiệt độ cao hay mảnh văng. Những người ở cách xa vụ nổ hơn chỉ có vài phút để di chuyển thật nhanh đến nơi ẩn nấp để tránh bụi phóng xạ chết người.
Với những đầu đạn tên lửa có sức nổ 100 kiloton, bán kính hủy diệt hoàn toàn tăng lên 1,6 km, không lớn hơn quá nhiều so với quả bom 10 kiloton. Tuy nhiên, mây bụi phóng xạ sau vụ nổ có thể phát tán ra hàng chục, hàng trăm km sau đó, gây ra nguy cơ lớn hơn.
Mô phỏng vụ nổ hạt nhân 10 kiloton ở Los Angeles.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng việc bỏ chạy theo bản năng sau vụ nổ hạt nhân là hành động không khôn ngoan. "Chúng ta thường tìm cách tháo chạy ra xa vụ nổ, đây là hành động dễ hiểu", Buddemeier nói. "Nhưng việc tháo chạy trong hoảng loạn có thể gây thương vong lớn hơn so với vụ nổ ban đầu, khi người dân có nguy cơ bị phơi nhiễm phóng xạ và lực lượng cứu hộ có ít cơ hội để giúp đỡ họ".
Giới chức khuyên người dân nên vào trong nhà càng nhanh càng tốt. "Nếu bạn có thể ẩn nấp trong vòng 10-15 phút sau vụ nổ, bạn sẽ tránh được phóng xạ nguy hiểm nhất", Miyagi cho biết. Khi chạy được vào nơi trú ẩn kiên cố, họ nên cởi bỏ hết quần áo để loại bỏ 90% lượng phóng xạ phơi nhiễm từ bên ngoài.
Người dân cũng được khuyên mang theo một đài radio nhỏ cùng lương thực, nước uống đủ dùng trong ít nhất 48 giờ, giúp họ vượt qua quãng thời gian bụi phóng xạ ảnh hưởng nặng nề nhất. "Nếu bạn đã an toàn trong một tòa nhà, hãy ở yên ở đó cho đến khi nhà chức trách cho phép bạn ra ngoài", Eliot Calhoun, chuyên gia về thảm họa hạt nhân ở New York, nói.
Nhà chức trách Mỹ và bang Hawaii sẽ phát động chiến dịch tìm kiếm cứu nạn ngay sau đó, nhưng hoạt động này có thể kéo dài nhiều ngày. Họ sẽ phải dựa chủ yếu vào nguồn lực tại chỗ trong 2-3 ngày đầu, trước khi lực lượng cứu hộ liên bang đến nơi. Thương vong có thể tăng cao từng ngày, nhưng tình hình sẽ dần được kiểm soát và cải thiện.
Các chuyên gia cho rằng tin tốt với người dân Hawaii là khả năng họ bị Triều Tiên tấn công hạt nhân gần như bằng không. Các nhà hoạch định phương án ứng phó khẩn cấp cũng xếp mối đe dọa từ tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng vào cuối danh sách.
"Nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân vào Hawaii, họ cũng ký vào án tử cho mình", Miyagi nói. "Tôi tin chắc rằng họ không dại dột mà làm như vậy". Mỹ chắc chắn sẽ đáp trả bằng đòn trả đũa hạt nhân dữ dội nhất, có thể xóa sổ Triều Tiên khỏi bản đồ thế giới.
Về phần mình, Buddemeier chỉ hy vọng những phương án ứng phó mà mình dành cả cuộc đời để xây dựng sẽ không bao giờ được dùng đến. "Nếu sự nghiệp của tôi là số 0, tôi sẽ rất hạnh phúc".
Trí Dũng