Dòng báo động giả trên truyền hình ở Hawaii. Video: Youtube/WarMasterPrime.
Báo động còn được phát trên truyền hình và đài phát thanh cũng như điện thoại di động, Ige nói thêm. Ông cũng đã họp với các quan chức quốc phòng và quản lý khẩn cấp của bang "để xác định nguyên nhân vụ báo động giả và ngăn chặn điều này tái diễn".
Vào khoảng 8h giờ Hawaii ngày 13/1 (1h ngày 14/1 giờ Hà Nội), người dân Hawaii nhận được tin nhắn: "Mối đe dọa tên lửa đạn đạo đang tới Hawaii. Hãy đi trú ẩn ngay. Đây không phải là một cuộc diễn tập".
Thông điệp khiến họ hoảng loạn, tìm bất cứ nơi trú ẩn nào họ có thể nghĩ đến, trong khi những người khác gọi điện cho người thân và khóc vì lo sợ đây có thể là lần nói chuyện cuối cùng. "Mọi người bỏ chạy, tất cả đều tuyệt vọng", Vinicius Pereira, cư dân ở Waikiki nói.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii đăng thông điệp lên Twitter về báo động giả sau khoảng 10 phút. Nhưng phải 38 phút sau tin nhắn báo động nhầm, một tin nhắn thứ hai mới được gửi đến các điện thoại ở Hawaii: "Không có mối đe doạ hay nguy hiểm nào với bang Hawaii. Nhắc lại. Báo động giả".
Vụ việc cũng buộc Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương phát thông báo tương tự, cho biết họ "không phát hiện mối đe doạ tên lửa đạn đạo nào với Hawaii".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở bang Florida và đã được báo cáo về báo động giả. Lindsay Walters, phát ngôn viên Nhà Trắng, cho rằng đây "chỉ là cuộc diễn tập của bang".
Trọng Giáp