Nhà chị Nga, 36 tuổi, ở sát Bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức số 1 (đặt tại chung cư Bình Minh, phường Linh Trung) do Bệnh viện TP Thủ Đức phụ trách. Cuối tháng 8, chị và nhiều người thân mắc Covid-19 nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ, tự cách ly rồi khỏi. Riêng mẹ chị, bà Trần Huyền Khanh, 64 tuổi, có bệnh nền ung thư vú di căn phổi, vừa hóa trị được hai tuần, phải đi cách ly tập trung. Bệnh diễn tiến nặng hơn, bà được chuyển tới khu Hồi sức cấp cứu.
Những ngày đầu nhập viện, bà tỉnh táo, khỏe mạnh, các bác sĩ thường xuyên liên hệ với chị Nga thông báo tình hình. Tuy nhiên, ngày 9/9, tiên lượng bệnh nhân viêm phổi nặng, suy hô hấp nguy kịch, có chỉ định đặt nội khí quản, bác sĩ gọi hỏi "có thể vào bệnh viện chăm sóc mẹ, phụ nhân viên viên y tế được không", chị đồng ý lập tức. Lúc đó, kết quả xét nghiệm của chị âm tính.
Hai tuần qua bà Khanh hôn mê, người gắn đầy dây dợ, thiết bị hỗ trợ sự sống. Hàng ngày các bác sĩ, điều dưỡng truyền thuốc, hút đàm, bơm sữa qua ống xông dạ dày, theo dõi sinh hiệu sát sao, cùng người nhà lật trở, thay đổi tư thế nằm chống tỳ đè gây loét. Chị Nga túc trực bên cạnh thay bỉm, lau người, thay bịch nước tiểu, chốc chốc lại nắn bóp tay chân cho mẹ.
Dù bà không thể trò chuyện, chị vẫn thường xuyên thủ thỉ, tâm sự. Đôi mắt người phụ nữ trung niên lúc nào cũng hướng về giường bệnh, ầng ậc nước. "Nhìn mẹ, tôi đứt từng khúc ruột. Mẹ còn 1% cơ hội sống, bác sĩ còn chữa, tôi còn hy vọng", chị nói.
Chị Nga là một trong số hàng chục người (đều là F0 đã âm tính và đủ sức khỏe) được Bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức số 1 đề nghị vào khu Hồi sức cấp cứu chăm sóc người thân, san sẻ gánh nặng quá tải với các y bác sĩ. Tại đây có 30 bệnh nhân phải thở oxy, trong đó 3 người đang thở máy và đều là phụ nữ lớn tuổi, 2 ca có bệnh nền ung thư đã di căn. Giai đoạn cao điểm trước đó, khu này có đến hơn 50 F0 nặng, bao gồm 12 ca thở máy.
Ở dãy giường bệnh đối diện với mẹ chị Nga, ông Lê Thế Chính, 61 tuổi, nhẹ nhàng lau mồ hôi trên trán vợ - bà Nguyễn Thị Được, 64 tuổi, phải thở máy.
Tròn một tháng trước, vợ chồng ông phát hiện mắc Covid-19. Hai con gái lấy chồng xa, ông bà tự chăm nhau trong bệnh viện. Ông Chính chỉ sốt nhẹ vài ngày rồi dứt. Ông nhẩm tính, chắc ở viện nửa tháng là được về nhà. Không ngờ, bà Được diễn tiến xấu dần, dù có mặt nạ oxy vẫn thở nặng nhọc, rồi phải thở máy, chờ cơ may phổi phục hồi. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân của bà phụ thuộc hoàn toàn vào chồng.
Ban ngày, ngoại trừ những lúc ăn uống, tắm gội vội vàng, ông Chính đều loay hoay bên vợ. Buổi tối, khi đã quá mệt, ông mới trải chiếc giường xếp ở góc phòng ra nằm nghỉ. Vài ba tiếng, ông thức giấc một lần, sang kiểm tra tình hình, nhờ đó, khi bà có dấu hiệu trở nặng thêm, SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) tụt thấp, hoặc sốt, đều được phát hiện và xử trí kịp thời. Đôi tay gầy guộc, vụng về của ông giờ đã quen với việc xoa bóp, chải đầu, rửa mặt cho vợ.
"Bác sĩ nói bà ấy không đau đớn đâu, nhưng mình vẫn phải nhẹ nhàng chứ. Sống với nhau hơn 40 năm, tôi chưa từng nghĩ tới lúc bà ấy thập tử nhất sinh thế này. Chỉ mong bà ấy sống, cực đến đâu tôi cũng chịu được", ông Chính rớm nước mắt, nói.
Một "điều dưỡng" cho F0 đặc biệt khác - anh Võ Duy Quang, 31 tuổi, nhiều ngày qua chăm sóc bà ngoại 82 tuổi. Anh kể, lần đầu chăm bà bệnh nặng, rất nhiều bỡ ngỡ, cực nhất là những lúc thay rửa khi bà đi vệ sinh ra tã giấy. Song, vốn hiểu tính cách, biết thói quen, sở thích của bà ngoại nên anh nhanh chóng thích nghi.
Trước đó, 7 người trong gia đình Quang đều dương tính, gồm bà ngoại, bố mẹ, vợ chồng anh, chị và em gái. Hiện 5 người đã được xuất viện, chỉ còn bà ngoại suy hô hấp nặng phải điều trị lâu dài. Là con trai duy nhất, khoẻ mạnh, anh xung phong xin ở lại làm chỗ dựa cho bà.
Ngày hai lần, anh lau người bà sạch sẽ bằng nước ấm. Các bữa ăn được anh chia nhỏ, kiên trì dành cả tiếng đồng hồ vừa đút từng muỗng cháo, vừa chụp lại ngay mặt nạ oxy cho bà thở để SpO2 không tụt. Biết bà nằm nhiều sẽ mỏi, anh làm "ghế" để bà tựa lưng. Từ phía sau, anh đấm lưng, gãi ngứa, vuốt tóc giúp bà thoải mái hơn. Anh cũng canh thời gian đỡ bà nằm sấp, nằm nghiêng theo cữ để dễ thở.
"Ngày nào tôi cũng gọi video về nhà, để cả gia đình trò chuyện, động viên bà an tâm. Có thêm liều thuốc tinh thần, trải qua 3 tuần điều trị tích cực, bà tôi dần hồi phục, tỉnh táo, song chưa cai oxy thành công", anh Quang cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quyến (31 tuổi, Phó khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện TP Thủ Đức, phụ trách khu Hồi sức cấp cứu), nhân viên y tế luôn cố gắng làm những điều tốt nhất trong khả năng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, dù đã làm 200% sức lực, họ vẫn cảm thấy chưa đủ, khó có thể đáp ứng chu đáo tất cả nhu cầu người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thấu hiểu sự lo lắng, mong muốn được chăm sóc người thân của các gia đình, nên phối hợp cùng họ. Người bệnh được vợ, chồng, con, cháu... chăm sóc cả thể chất lẫn tinh thần sẽ nhanh hồi phục. Nhân viên y tế tập trung chăm lo các F0 không có người thân.
Trước khi người nhà thực hành chăm sóc, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ hướng dẫn chi tiết những việc cần làm, như cách vỗ lưng, vệ sinh răng miệng, thay ga giường, các bài tập thở, tập phục hồi, xoay trở... phù hợp với tình trạng từng bệnh nhân. Sau ít ngày, họ có thể thành thạo một số công việc. Riêng với trường hợp thở máy, điều dưỡng vẫn đóng vai trò chăm sóc chính, tránh tình huống tai biến, người nhà sẽ phụ giúp và thực hiện đúng phân công chăm sóc.
"Chúng tôi giống một gia đình lớn, được tạo nên trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, chẳng ai mong muốn nhưng luôn cố gắng đùm bọc, san sẻ lẫn nhau, chỉ với một mục đích duy nhất là cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Quyến nói.
Tại TP HCM, tính đến đầu tháng 9 đã có hơn 1.500 F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia chống dịch. Trước đó, Sở Y tế thành phố đã mời và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM) cũng gửi thư kêu gọi F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia chống dịch. Bởi hơn ai hết, những F0 khỏi bệnh, những người đã "may mắn thoát khỏi tử thần", sẽ là động lực giúp bệnh nhân đang điều trị thêm sức mạnh vượt qua bệnh tật.
"Tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ đã tạo điều kiện cho tôi vào chăm sóc, kề cận mẹ, không để bà một mình chiến đấu với tử thần. Được như vầy, tôi thấy gia đình mình may mắn hơn rất nhiều người", chị Nga nói.
Thư Anh