Điều dưỡng Oanh, khoa Nội Thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, từ buồng đệm chạy vào trong gọi bác sĩ. Bệnh nhân 60 tuổi, chạy thận hơn ba năm, mắc Covid-19, thường xuyên bị tăng huyết áp. Quỳnh Oanh nghĩ "phải tỉnh táo và xử trí huyết áp ổn định thì tính mạng bệnh nhân mới được bảo toàn". Nữ điều dưỡng nhớ lại tình huống khi đó là 9h sáng, ngày 18/8.
Oanh khẩn trương xịt thuốc để giảm huyết áp cho bệnh nhân, quan sát chỉ số sinh hiệu trên monitor và tiếp tục dùng thêm thuốc Nifedipine 20 mg để ổn định tình trạng bệnh. Hai chân cô cứng lại, mắt không ngừng theo dõi diễn tiến người bệnh. Theo Oanh, trường hợp F0 mắc bệnh nền bị tăng huyết áp thường ưu tiên thuốc giảm huyết áp dạng xịt, hiệu quả chỉ trong 10 đến 15 phút, còn thuốc uống phải chờ đến 30 phút đến một tiếng mới phát huy tác dụng. Sau một tiếng kiểm soát, huyết áp người bệnh giảm còn 140/80 mmHg, tiếp tục lọc máu.
Người bệnh trên cũng là trường hợp nặng mà Oanh xử trí trong thời gian điều trị và làm việc tại khu lọc máu cho bệnh nhân dương tính. Nhìn cô thoăn thoắt trong buồng bệnh, ít ai biết, cô cũng đang là F0.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội Thận Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết khi triển khai chạy thận cho bệnh nhân Covid-19, bệnh viện ghi nhận ba điều dưỡng mắc Covid-19, trong đó có Oanh.
"Lúc tôi huy động nhân viên tình nguyện chạy thận cho F0, điều dưỡng Oanh xung phong với lý do đã tiêm hai mũi vaccine, không triệu chứng bệnh, vẫn làm việc giúp bệnh nhân được, dù tôi muốn nhân viên có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục", bác sĩ Bách nói.
Hiện, tổng nhân lực tham gia chạy thận cho bệnh nhân ở cả khu âm tính và dương tính là 9 bác sĩ, 21 điều dưỡng và ba hộ lý. Bệnh viện đang điều trị 200 bệnh nhân chạy thận, trong đó 10 bệnh nhân Covid-19.
Ngày 10/8, Oanh và điều dưỡng Nguyễn Thị Vinh nhận kết quả xét nghiệm dương tính. Cả hai vào khu cách ly bệnh viện, cũng nóng ruột vì "chẳng ai biết bệnh sẽ diễn tiến thế nào". "Ở viện không thoải mái như ở nhà, nhưng tôi phải quen với nhịp sinh hoạt từ khi có dịch bệnh", Oanh nghĩ.
Ba ngày đầu, tải lượng virus còn cao, Oanh hơi mệt, sốt, ho đờm, người đau mỏi nhưng không khó thở, SpO2 không tụt. Còn sức khỏe của Vinh đỡ hơn. Cả hai đồng lòng bảo nhau xin lãnh đạo vào khu điều trị cho bệnh nhân lọc máu dương tính, vừa đỡ việc cho đồng nghiệp vừa được chăm sóc bệnh nhân từ khu âm tính sang.
"Lúc đầu, mình và chị Vinh chỉ tính đi cách ly thôi, sau thấy sức khỏe đảm bảo nên muốn san sẻ cùng mọi người", Oanh kể lại. "Chưa kể, bệnh nhân lọc máu đều là người quen, chạy thận nhiều năm nên thấy mình họ sẽ an tâm hơn rất nhiều".
Trước đây, khi phát hiện ca F0, bệnh viện Thống Nhất phải chuyển bệnh nhân chạy thận lên tuyến trên. Song, do số F0 tăng nhanh, cơ sở này lập nên khu lọc máu cho bệnh nhân dương tính để điều trị cho bệnh nhân của viện.
Khu lọc máu dã chiến đơn sơ, không có điều hòa, bệnh nhân phải lọc máu dài nên khá bất cập. Nhóm người bệnh này có bệnh nền nên đề kháng kém khi mắc Covid-19. Một số người từng dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài. Nhân viên y tế luôn phải cẩn trọng, kỹ lưỡng và túc trực từng phút, từng giờ để theo dõi, nếu sinh hiệu không ổn phải gọi bác sĩ xin y lệnh. "Quan trọng nhất là theo sát những thay đổi bệnh nhân để phát hiện sớm", Oanh nói.
Khi bệnh nhân lo lắng, y bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít cũng khó có nhiều cơ hội trấn an bằng lời như ở khu âm tính. Oanh thú thật: "Tôi lo lắng chứ, nhưng bệnh nhân cần sự an tâm và tôi nghĩ mình nên truyền niềm tin, nghị lực cho họ".
Để giảm nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế, bác sĩ Bách điều chỉnh giảm thời gian chạy thận F0 từ 4h xuống còn 3 hoặc 3,5 giờ. "Điều này vẫn nằm trong giới hạn cho phép", bác sĩ Bách nói. Tuy nhiên, có những ca bệnh, điều dưỡng Oanh tự động đề nghị kéo dài thời gian lọc máu bởi bệnh nhân tăng cân nhiều, lọc càng lâu máu càng sạch, dù biết bản thân sẽ vất vả hơn.
"Tôi rất xúc động trước tình huống này, chứng tỏ Oanh làm việc bằng cả trái tim với bệnh nhân chứ không chỉ đơn thuần là trách nhiệm", bác sĩ Bách nói.
Chia sẻ lý do xung phong vào tâm dịch, Oanh và Vinh đều nói đây không phải ý định ban đầu. Sau khi vào khu cách ly, nhân lực tại khoa mỏng, công việc chồng chéo thôi thúc hai điều dưỡng. "Mình làm thì đỡ một người từ khu âm sang, mà mình thì mắc rồi nên không sợ gì nữa", điều dưỡng Vinh nói.
Ngoài ra, hầu hết bệnh nhân đều là "người quen", được các điều dưỡng chăm sóc nhiều năm nên sẽ yên tâm. "Bệnh nhân vui, mình cũng vui, bệnh cũng mau hết. Nếu không là mình thì sẽ có người khác thôi", điều dưỡng Oanh tiếp lời.
Từ ngày phát hiện dương tính, Oanh chưa thông báo với gia đình, chỉ nói đặc thù công việc nên phải ở lại viện. Sau hơn một tuần làm việc, sức khỏe cả hai bình phục. Cô đang chờ xét nghiệm RT-PCR lần hai âm tính để quay trở lại khu âm tính, chiến đấu cùng mọi người.
Ví công việc của mình là nghề "bán mồ hôi, nở nụ cười", Oanh nói dù áp lực vẫn phải giữ tinh thần tươi tỉnh để giúp đỡ người bệnh. Cô lạc quan xem đây là khoảng thời gian để hoàn thiện bản thân và thêm yêu nghề, nhất là lúc nhìn bệnh nhân khỏi bệnh và được chuyển sang khu âm tính. Nhưng thỉnh thoảng, có bệnh nhân trở nặng chuyển đi, sau đó tử vong, không cần lọc máu nữa, Oanh chạnh lòng.
"Chăm sóc bệnh nhân thời gian dài mà đến giai đoạn sau cuối thì không giúp được gì nữa, chỉ nghe được vỏn vẻn vài dòng tin", Oanh trải lòng.
Những ngày này, TP HCM liên tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới, nhiều ca tử vong, bệnh viện phải đối mặt với những mối nguy hiểm nhưng Oanh và mọi người vẫn động viên nhau bình tĩnh. Cô tự nhủ "vẫn còn nhiều việc nguy hiểm, nhiều người gặp nguy cơ cao hơn. Cuộc chiến đang lúc cam go mà chỉ nghĩ đến việc nhàn, việc dễ là điều không thể".
Thùy An - Lê Phương