Trên phố Lê Lợi gần chợ Bến Thành, ông Nguyên, 55 tuổi, chủ cửa hàng đồ lưu niệm đã sửa chữa, sắp xếp lại cửa tiệm buôn bán, sau khi rào chắn Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được dỡ bỏ vài tháng trước. Dịp Tết, hàng hoá nhập về nhiều được ông xếp gọn, bày biện trước cửa và trang trí thêm các biển hiệu để thu hút khách.
Nhớ lại hai năm trước, ông Nguyên nói cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm có tiếng hơn 10 năm của gia đình phải chuyển sang bán cà phê cầm chừng vì bị ế ẩm khi công trường metro thi công, lại gặp đại dịch. Đầu năm 2022, Covid-19 bị đẩy lùi, rào chắn dự án lần lượt dỡ bỏ, ông và các hộ kinh doanh trong khu vực phấn khởi vì tuyến phố thông thoáng, cảnh quan sạch đẹp, kinh doanh khởi sắc hơn.
"Mấy tháng qua, tuyến phố trở lại cảnh nhộn nhịp, đông đúc người sau thời gian dài vắng lặng", ông Nguyên nói và cho biết dịp Tết, đường Lê Lợi được trang hoàng, tổ chức nhiều sự kiện như đường sách, chương trình ca nhạc nên nhiều người đến vui chơi, mua sắm... giúp doanh thu của cửa hàng tăng 3-4 lần so với trước.
Dài gần một km từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành, Lê Lợi là một trong 4 tuyến phố sầm uất bậc nhất trung tâm TP HCM, xung quanh có nhiều trung tâm thương mại, khách sạn, cửa hàng lớn. Từ năm 2014, từng đoạn trên tuyến đường này bắt đầu nhường chỗ cho công trình thi công ga ngầm Nhà hát thành phố và Bến Thành, thuộc dự án Metro số 1.
Suốt 8 năm, khu vực trở thành đại công trường, con phố nhộn nhịp trở nên vắng người. Nhiều cửa hàng phải hoạt động cầm chừng, số khác trả mặt bằng dời qua nơi khác vì bị dãy "lô cốt" án ngữ, buôn bán ế ẩm. Hai năm ảnh hưởng Covid-19, du khách quốc tế vắng bóng càng khiến việc kinh doanh trên tuyến phố sụt giảm. Hàng loạt cửa hàng đóng cửa, mặt bằng bị bỏ trống trên con phố thương mại đắc địa nhất thành phố. Do vậy, việc tháo rào chắn không chỉ giúp đi lại thuận tiện mà giá mặt bằng cũng tăng cao trở lại.
Không lâu trước khi công trường metro tháo dỡ rào chắn, từ tháng 4/2022 các hộ kinh doanh cho biết giá cho thuê mặt bằng trên tuyến Lê Lợi tăng vọt. Nhà diện tích 100-120 m2, một trệt, hai lầu mặt tiền được rao cho thuê 170-250 triệu đồng mỗi tháng, tăng hai, ba lần so với trước, khi khu vực đang là công trường thi công.
Bán văn phòng phẩm ở Lê Lợi, ông Tuấn, 52 tuổi, cho biết đã thuê mặt bằng tại đây 20 năm, giá chưa đến 100 triệu đồng, hiện tăng lên 150 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, do là vị trí "đất vàng", khách đã quen nên ông tiếp tục thuê vì thấy cơ hội kinh doanh tốt hơn khi mặt đường đã thông thoáng. "Sắp tới, metro vận hành, cảnh quan được cải tạo, lập phố đi bộ, nơi này sẽ càng tăng giá trị", ông nói.
Hiện, vỉa hè đường Lê Lợi được lát gạch sạch sẽ, bố trí nhiều mảng xanh trên phần đường giữa làn ôtô và xe máy. Riêng khu vực trước chợ Bến Thành - trước đây là vòng xoay lớn bị phá bỏ để thi công tuyến metro đã được tạm tái lập mặt đường và tổ chức giao thông. Rào chắn chỉ còn đoạn ngắn giáp công viên 23/9, phục vụ thi công các hạng mục cuối của ga Bến Thành.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, sắp tới trước chợ Bến Thành sẽ được tính toán hình thành quảng trường lớn và bố trí nhiều mảng xanh, nơi đặt tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang. Giao thông từ đường Trần Hưng Đạo qua Lê Lợi giữ một phần hướng tuyến như cũ để kết nối vào trung tâm. Sau đó, khu vực sẽ hoàn thiện theo quy hoạch, kết nối đồng bộ quảng trưởng trước chợ và các dự án khác xung quanh như công viên 23/9, đường Lê Lợi.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm cho biết khu vực này sẽ là "điển hình" của mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) ở thành phố. Cùng với ga Bến Thành, nơi đây sẽ được tăng cường các phương tiện thân thiện môi trường như xe đạp, buýt điện. Tất cả công trình được nghiên cứu theo hướng phục vụ giao thông công cộng, giữ các nét văn hoá, kiến trúc đặc trưng ở khu vực.
Năm ngoái, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng đề án tổ chức phố đi bộ ở 22 tuyến đường khu trung tâm. Khu vực gần chợ Bến Thành, đường Lê Lợi dự kiến được triển khai trong năm nay, cùng các tuyến Đồng Khởi, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, hình thành chuỗi phố đi bộ, mở thêm không gian công cộng cho người dân vui chơi, giải trí cũng như góp phần phát triển kinh tế đêm ở khu trung tâm.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, ga Bến Thành của Metro số 1 đã hoàn thành khoảng 99% khối lượng, kết cấu cũng được xây dựng đồng bộ để kết nối các tuyến metro khác sau này. Thành phố định hướng phát triển không gian ngầm ở khu vực gồm nhiều loại dịch vụ, thương mại, kết nối với nhà ga metro để khách đi lại thuận tiện và dễ mua sắm, giải trí.
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km, từ Bến Thành đến Depot Long Bình, TP Thủ Đức, với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Toàn dự án hiện đạt 94%, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Gia Minh