VnExpress phỏng vấn ông Trần Sỹ Thắng, Phó giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải, đơn vị lập đề án) sau khi phương án tổ chức 22 phố đi bộ khu trung tâm được trình UBND TP HCM.
- Vì sao Sở Giao thông Vận tải đề xuất lập nhiều tuyến đường ở trung tâm TP HCM thành phố đi bộ trong ba năm tới?
- Việc lập các tuyến phố đi bộ ở khu trung tâm nằm trong lộ trình thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM được duyệt từ năm 2013, sau đó là đồ án quy hoạch chi tiết 930 ha khu trung tâm. Đây là một phần trong giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân ở thành phố những năm tới. Điều này ngoài mục tiêu lâu dài giảm ùn tắc, ô nhiễm ở khu trung tâm, còn giúp đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thông qua thu hút khách du lịch, đa dạng dịch vụ, tăng cơ hội kinh doanh cho các hộ dân ở khu vực...
Trước đây, ngành giao thông thành phố nghiên cứu tổ chức các phố đi bộ ở một số tuyến đường ở quận 1 như Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi... Vừa qua, các quận 3, 10, 11... đề xuất mở thêm không gian đi bộ, song một số nội dung chưa cụ thể, cần đề án lớn để đưa ra tiêu chí chung, cũng như lộ trình, kế hoạch thực hiện phù hợp. Trước khi trình UBND thành phố, đề án đã lấy ý kiến từ các địa phương, sở ngành và phản biện của Hội đồng cố vấn giao thông đô thị, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố...
- Các tuyến phố đi bộ sẽ được tổ chức như thế nào?
- Ngoài cải tạo các tuyến đường, điều chỉnh giao thông, bãi giữ xe, cảnh quan ở các phố đi bộ sẽ được nâng cấp với hệ thống chiếu sáng, trang trí... 22 tuyến đi bộ sẽ chia thành 7 tiểu khu với đặc trưng riêng, dựa trên các yếu tố về lịch sử, văn hóa, du lịch...
Mỗi tiểu khu sẽ được tính toán xây dựng công trình tạo điểm nhấn hấp dẫn người dân, du khách. Trong đó, nơi tập trung hoạt động văn hoá sẽ ở Hồ Con Rùa, với các đường Công trường Quốc tế, Phạm Ngọc Thạch. Khu lịch sử, văn hóa tập trung ở Công xã Paris, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, đường sách... Khu thương mại, mua sắm ở đường Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thiệp.
Kế đến, nơi dành cho các hoạt động nghệ thuật sẽ tổ chức ở Công trường Lam Sơn, Nhà hát thành phố với quảng trường kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ, bao quanh là các khách sạn lớn. Các đường Thi Sách, Nguyễn Trung Trực, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Đông Du - nơi có nhiều nhà hàng, sẽ là khu ẩm thực quốc tế. Khu đại lộ và trung tâm hành chính gồm ba tuyến: Hàm Nghi, Lê Lợi và phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện hữu, tạo thành tam giác bao quanh, với nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí, ẩm thực đa dạng...
Riêng chợ Bến Thành không chỉ là công trình đặc trưng, lịch sử lâu đời mà còn thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm mỗi ngày. Quanh chợ sẽ bố trí thêm nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, ẩm thực, chợ đêm... thu hút du khách.
- Nhiều ý kiến lo ngại mở các phố đi bộ sẽ gây ùn ứ khu trung tâm vì xe phải dồn sang những đường khác. Việc này được đề án tính toán ra sao để tránh ùn tắc?
- Các tuyến đường chỉ được tổ chức thành phố đi bộ vào hai ngày cuối tuần (thứ 7, chủ nhật). Những ngày khác xe vẫn chạy bình thường. Mặt khác, trong 22 tuyến dự kiến tổ chức phố đi bộ, một số đường chỉ hạn chế xe chứ không cấm.
Chúng tôi xác định khi mở thêm các phố đi bộ, phương án tổ chức giao thông là đặc biệt quan trọng nên sẽ tính toán kỹ lưỡng trước khi tổ chức. Trong đó, có 78 nút giao ở các tuyến phố sẽ được cải tạo, tăng diện tích đậu xe. Đồng thời, tại các giao lộ trước khi vào phố đi bộ sẽ lắp băng rôn, biển báo, cùng các lực lượng túc trực điều tiết, hướng dẫn người dân đến các bãi giữ xe. Giao thông công cộng cũng được tăng cường giúp người dân, du khách dễ đến các tuyến phố.
- Khu vực trung tâm TP HCM đang thiếu các bãi giữ xe, trong khi việc lập các phố đi bộ thu hút nhiều người đến vui chơi. Đề án đưa ra phương án như thế nào để hỗ trợ người dân, du khách tiếp cận các phố đi bộ?
- Việc mở thêm tuyến đi bộ sẽ được tính toán cùng tái tổ chức giao thông khu vực và quy hoạch nơi đậu xe, đảm bảo trật tự, an toàn. Danh mục các tuyến phố đi bộ chia làm ba giai đoạn đến năm 2025, chứ không làm đồng loạt. Trong đó, cùng với các bãi đậu xe hiện hữu sẽ nghiên cứu và sắp xếp cho xe đậu tạm lòng đường, trong tầng hầm các tòa nhà...
Dự kiến khi các phố đi bộ tổ chức sẽ có thêm hơn 1.700 chỗ đỗ ôtô, đáp ứng được khoảng 66% nhu cầu và gần 1.200 ô đỗ xe máy, khoảng 90%. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch kêu gọi đầu tư các bãi đỗ xe cao tầng, lắp ghép, thu phí tự động... để giải quyết nhu cầu đậu xe ở trung tâm.
Đề án đã tính toán sẽ điều chỉnh lộ trình 34 tuyến buýt qua các khu vực tổ chức phố đi bộ. Song song đó, ngành giao thông thành phố cũng nghiên cứu tăng thời gian, tần suất hoạt động của xe buýt để phù hợp nhu cầu; tổ chức mô hình xe đạp công cộng; Metro Số 1 dự kiến khai thác cuối năm 2023... Những yếu tố này sẽ giảm đáng kể lượng xe cá nhân đến trung tâm.
- Việc phát triển 22 phố đi bộ ở khu vực trung tâm được xem tiếp nối phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện đã hoạt động. Thời gian qua, hai phố đi bộ này đem lại hiệu quả ra sao?
- Phố đi bộ Nguyễn Huệ mở cách đây 7 năm. Khảo sát năm 2019, nơi này thu hút khoảng 3.300 người ngày thường và tăng gấp đôi ngày cuối tuần. Chi phí người dân, du khách bỏ ra như thuê khách sạn, ăn uống, mua sắm, vui chơi... tại đây ngày thường đạt khoảng 2,3 tỷ đồng và gần 12 tỷ đồng vào cuối tuần. Đường Nguyễn Huệ sau khi thành phố đi bộ cũng giúp các hộ kinh doanh ở đây tăng 50-70% thu nhập so với trước; giá đất và cho thuê mặt bằng cũng tăng rất nhanh sau khi hoạt động.
Còn phố Bùi Viện, mỗi ngày thu hút khoảng 5.400 người đi bộ và hơn 7.000 người vào dịp cuối tuần. Du khách chi tiêu ngày thường gần 3 tỷ đồng, cuối tuần khoảng 8 tỷ đồng ở tuyến phố này. Các loại dịch vụ, ẩm thực tại đây cũng đa dạng hơn.
Hai tuyến phố trên đã thành nơi hấp dẫn người dân, du khách đến vui chơi, giải trí, mua sắm... Đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao, giải trí... lớn của thành phố, tạo thêm không gian công cộng cho người dân, vốn đang rất thiếu ở khu trung tâm.
Gia Minh