Từ năm 2009, không quân Mỹ đã ấp ủ tham vọng chế tạo một chiếc máy bay ném bom tầm xa (LRS-B) có khả năng tàng hình và chở theo vũ khí nhiệt hạch để trở thành chiếc oanh tạc cơ chiến lược hàng đầu của Mỹ. Kế hoạch này bắt đầu được xúc tiến từ tháng 7 năm ngoái. Mặc dù các thông tin về chương trình LRS-B chưa được tiết lộ nhiều, các chuyên gia vũ khí vẫn có thể hình dung được diện mạo của nó này dựa trên những dữ liệu thu thập được, National Interest ngày 8/9 cho hay.
Động cơ
Kích thước và tải trọng của chiếc oanh tạc cơ chiến lược này phụ thuộc rất lớn vào công nghệ chế tạo động cơ. Chiếc LRS-B đầu tiên dự kiến được đưa vào phục vụ vào giữa thập niên 2020, nên nhiều khả năng nó vẫn phải sử dụng các thiết kế động cơ hiện nay. Ngoài ra, động cơ của nó phải phù hợp với tính năng tàng hình của chiếc máy bay.
Điều đó đồng nghĩa với việc những biến thể của các động cơ dùng cho máy bay thương mại sẽ bị loại bỏ vì kích thước quá lớn của chúng, dù có hiệu năng cao. Lựa chọn khả dĩ hơn là biến thể của một loại động cơ quân sự sẵn có, chẳng hạn như động cơ Pratt & Whitney F100 hay General Electric F110 của tiêm kích F-15 và F-16.
Động cơ F110 sẽ giúp cho oanh tạc cơ LRS-B có những nét tương đồng với máy bay ném bom B-1 Laner hay B-2 Spirit hiện nay của không quân Mỹ. Động cơ F101 của chiếc B-1 bắt nguồn từ động cơ F110, và bản thân nó lại là nguồn cảm hứng cho động cơ F-118 trên máy bay B-2.
Việc sử dụng biến thể của động cơ F110 có những ưu điểm riêng, nhưng nó có một đối thủ cạnh tranh đáng gờm khác là biến thể lớn hơn của động cơ Pratt & Whitney F135, loại động cơ có thể tạo ra lực đẩy khô tới 12.700 kg. Với một số điều chỉnh, chẳng hạn như tăng hệ số tách dòng (bypass ratio), phiên bản lớn hơn của F135 có thể tạo ra lực đẩy hơn 13.600 kg mà vẫn có thể tăng hiệu suất đốt cháy nhiên liệu. Với hai động cơ như vậy, chiếc LRS-B tương lai chỉ kém một chút so với lực đẩy 31.750 kg của máy bay B-2, nhưng kích thước của nó thì nhỏ hơn rất nhiều.
Nếu sử dụng động cơ kép cỡ lớn của F135, chiếc LRS-B tương lai sẽ có kích thước lớn hơn so với chiếc F-15E Strike Eagle do Boeing chế tạo, nhưng nhỏ hơn máy bay ném bom B-1 và B-2. Với mối đe dọa đến từ các loại radar tần số thấp đang được các nước sử dụng cũng như hạn chế về các loại vật liệu hấp thụ sóng radar hiện nay, nhiều khả năng chiếc LRS-B này sẽ có thiết kế kiểu cánh bay cận âm chứ không phải siêu âm để đảm bảo khả năng tàng hình tối đa của nó.
Thiết kế tàng hình
Một chiếc máy bay tàng hình chiến thuật cỡ chiến đấu cơ có thể chiến thắng các sóng radar tần số cao như C, X và Ku một cách đơn giản bằng thiết kế vật lý, tuy nhiên những máy bay ném bom chiến lược cỡ lớn như B-2 hay LRS-B phải có thiết kế đặc biệt hơn để chống lại radar tần số thấp.
Khi tần số radar vượt quá một ngưỡng nhất định, nó sẽ tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, khiến hình ảnh của máy bay tàng hình trên màn hình radar có sự thay đổi đột ngột. Sự cộng hưởng này thường xảy ra khi một bộ phận trên máy bay, chẳng hạn như phần cánh đuôi, có kích thước nhỏ hơn 8 lần so với bước sóng radar. Điều đó có nghĩa là để đảm bảo tính tàng hình, chiếc LRS-B phải được phủ lớp vật liệu tàng hình dày ít nhất 61 cm trên toàn bộ bề mặt, hoặc các nhà thiết kế buộc phải tính toán được dải tần số radar nào phù hợp nhất để máy bay có thể hoạt động được.
Do vậy, để có thể đánh bại được các loại radar sử dụng tần số L, UHF và có thể là VHF, chiếc LRS-B của Mỹ cần phải có thiết kế kiểu "cánh bay". Máy bay thiết kế kiểu "cánh bay" là loại máy bay cánh bằng không có đuôi và không có phần thân rõ rệt. Theo thiết kế này, toàn bộ các bộ phận trên máy bay như buồng lái, khoang chở hàng, khoang nhiên liệu và các thiết bị đều được bố trí bên trong một cấu trúc dạng cánh chính, khiến cả máy bay nhìn giống như một chiếc cánh khổng lồ, giảm thiểu các bộ phận bề mặt có thể tiếp xúc với sóng radar.
Các nguồn tin truyền thông Mỹ gần đây cũng cho thấy không quân nước này đang dự định trang bị khả năng chế áp điện tử mạnh được tích hợp vào khung của chiếc LRS-B. Đây được coi là yếu tố cần thiết để chống lại các loại radar tần số thấp sử dụng dải tần VHF mà chỉ riêng thiết kế máy bay và các vật liệu hấp thụ sóng gần như không thể đánh bại được.
Không quân Mỹ vẫn thường tuyên bố rằng các loại máy bay tàng hình như F-35 có thể ung dung bay vào lãnh thổ địch mà không phải lo sợ gì, nhưng các chuyên gia của Trung tâm Tác chiến Không quân lại coi trọng giá trị của việc gây nhiễu sóng radar hơn. Tàng hình và gây nhiễu luôn có mối quan hệ hiệp đồng chặt chẽ, bởi việc máy bay có bị phát hiện hay không phụ thuộc vào tỉ lệ giữa tín hiệu radar và tín hiệu gây nhiễu. Vật liệu tàng hình giúp làm giảm tín hiệu radar, trong khi chế áp điện tử làm tăng khả năng gây nhiễu.
Khả năng tác chiến
Nếu như LRS-B có kích thước nhỏ hơn B-2, các nhà thiết kế sẽ phải lựa chọn giữa tầm bay và tải trọng. Tướng William Fraser, cựu chỉ huy tác chiến không quân Mỹ cho biết "phạm vi tác chiến của máy bay ném bom từ 2.000 đến 2.500 hải lý là đủ, tương đương tầm hoạt động là 4.000-5000 hải lý, bởi tất cả các địa điểm trên mặt đất đều nằm trong phạm vi 1.800 hải lý tính từ vùng biển gần nhất". Như vậy, LRS-B nhiều khả năng sẽ phải có tầm bay ít nhất ở mức này, với tải trọng vũ khí mà nó mang theo. LRS-B cũng không cần phải mang theo lượng vũ khí khổng lồ như B-2, mà chỉ cần chở được loại vũ khí lớn nhất hiện nay, chẳng hạn như một quả bom xuyên GBU-57A/B có khả năng xuyên qua lớp bê tông dày 60 m.
Không quân Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ trang bị cho chiếc oanh tạc cơ thế hệ tiếp theo này hệ thống điều khiển điện tử thông minh. Chiếc máy bay có thể sẽ sử dụng hệ thống máy tính cấu trúc mở, nghĩa là nó sẽ không phải trải qua nhiều quy trình phức tạp để tích hợp các loại vũ khí và thiết bị mới giống như chiếc tiêm kích F-22 hiện nay.
LRS-B sẽ được thiết kế để có thể mang theo vũ khí hạt nhân ngay từ đầu, mặc dù chiếc máy bay này sẽ phải trải qua quy trình kiểm nghiệm lâu dài về khả năng thực hiện sứ mệnh tấn công hạt nhân. Đây chính là điều mà tướng Norton Schwartz đã tuyên bố kể từ khi nhậm chức tham mưu trưởng không quân Mỹ từ năm 2011.
Không quân Mỹ cũng đang tính đến phương án chế tạo LRS-B phiên bản không người lái. Tuy nhiên việc để một chiếc máy bay trị giá ít nhất 550 triệu USD hoạt động mà không có phi công trong khoang là khả năng rất ít xảy ra.
Hiện các đội ngũ thiết kế vũ khí hàng đầu của Northrop và Lockheed-Boeing đang cạnh tranh với nhau để chế tạo nguyên mẫu của chiếc oanh tạc cơ tương lai này và thử nghiệm trong các đường hầm của họ. "Việc giảm thiểu rủi ro đã xong. Các thiết kế đều đã hoàn thiện về mặt kỹ thuật, và chúng tôi đã sẵn sàng làm việc để chế tạo chiếc máy bay tàng hình còn hơn cả B-2", một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với Defense News.
Trí Dũng