Hồi đầu năm nay, trên các trang mạng Trung Quốc xuất hiện những hình ảnh đầu tiên về một mẫu UAV mới, mệnh danh là Thần Điêu (Divine Eagle). Giới quan sát quốc tế cho rằng chiếc UAV này được Bắc Kinh thiết kế để phát hiện và ngăn chặn sớm những chiến đấu cơ tàng hình của đối phương từ khoảng cách xa.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Janes, Thần Điêu phát triển trên nền tảng máy bay đa nhiệm, tầm cao, cự ly xa, vừa có khả năng tấn công nhưng cũng rất hữu ích trong các nhiệm vụ trinh sát. Thần Điêu có các loại radar chuyên biệt nên cơ chế phát hiện tàng hình cũng được tối ưu hóa.
Theo tạp chí Popular Science, Thần Điêu sẽ được gắn các radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), radar khẩu độ tổng hợp (SAR), radar chỉ thị mục tiêu động trên mặt đất (GMTI) và radar chỉ thị mục tiêu động trên không (AMTI). Các thiết bị tiên tiến này khi phối hợp sẽ giúp Thần Điêu phát hiện mọi vật thể bay, từ chiến đấu cơ đến tên lửa hành trình.
Hai tác giả Jeffrey Lin và P.W. Singer đánh giá năng lực chống tàng hình từ xa của Thần Điêu có thể sử dụng để đối phó với cả máy bay chiến đấu, ví dụ như oanh tạc cơ B-2, và chiến hạm, điển hình như tàu khu trục DDG-1000, của Mỹ.
Khi được bổ sung Thần Điêu, không quân Trung Quốc sẽ có khả năng nhanh chóng can thiệp các chiến đấu cơ tàng hình, tên lửa hay tàu chiến của đối thủ, trước cả khi chúng kịp vươn tới lãnh thổ nước này. Thần Điêu đồng thời phát hiện được cả xe chở tên lửa chống hạm và các hệ thống phòng không trên đất liền, giúp quân đội Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn trước mỗi chiến dịch tấn công.
Các nhà phân tích quân sự hàng đầu của Mỹ tỏ ra ái ngại khi Thần Điêu được dự đoán đủ năng lực tiêu diệt những mục tiêu ở khoảng cách lớn. "Triển khai UAV tầm xa, trần bay cao, được lắp đặt thiết bị cảm biến hiện đại sẽ khiến Trung Quốc nâng cao khả năng phá hoại tài sản và căn cứ của hải quân Mỹ cùng đối tác và đồng minh", ông Mark Stokes, cựu quan chức Lầu Năm Góc, bình luận. Nếu mẫu UAV này được biên chế, Washington và đồng minh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi làm nhiệm vụ gần bờ biển Trung Quốc.
Sự kết hợp chết người
Theo Flight Global, Nga có vẻ như cũng đang lên kế hoạch chế tạo một thiết bị tương tự Trung Quốc.
Tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế Zhukovsky (MAKS), diễn ra ở Moscow tuần này, ông Vladimir Mikheev, phó tổng giám đốc điều hành của nhà sản xuất hệ thống điện tử KRET, đã nói chuyện với Flight Global về một mẫu UAV đang được trưng bày ở sự kiện. KRET là nhà thầu phụ của dự án, cung cấp hệ thống liên lạc, radar, tác chiến điện tử và tự bảo vệ cơ bản của chiếc UAV cũng như trạm điều khiển mặt đất của nó.
Ông Mikheev cho hay mẫu UAV mới chưa được đặt tên của Nga có nhiều nét tương đồng với UAV Thần Điêu của Trung Quốc. Nó sử dụng băng tần X và sóng radar UHF để truy tìm những loại máy bay quân sự khó phát hiện của Mỹ, như oanh tạc cơ B-2 do Northrop Grumman sản xuất hoặc các chiến đấu cơ tối tân của Lockheed Martin như F-22 hay F-35, mẫu siêu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đã ngốn của Mỹ gần 1,5 nghìn tỉ USD nghiên cứu và phát triển. Song, UAV của Nga sẽ sở hữu nhiều tính năng vượt trội hơn khi được trang bị thêm những hệ thống tác chiến điện tử tinh vi.
"KRET đang xây dựng một hệ thống tác chiến điện tử chuyên sâu. Nó không chỉ tạo ra một trường điện từ bao quanh máy bay để chống lại tên lửa không đối không mà còn giúp máy bay ẩn mình trước radar", ông Mikheev nói.
Nếu những thông tin này chính xác thì UAV của Nga sẽ có khả năng vừa phát hiện máy bay Mỹ vừa tàng hình. Đây là một sự kết hợp chết người, bình luận viên Zachary Keck, nhận xét.
Cây bút Dave Majumdar từng có bài viết trên National Interest khẳng định Nga và Trung Quốc còn đang phát triển những hệ thống phòng không được kết nối, sử dụng các radar mới, hoạt động trên tần số cực cao (UHF) và tần số rất cao (VHF). Những hệ thống này sẽ là đòn giáng mạnh vào các chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 trị giá hàng tỷ USD của Washington. Chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ chỉ có thể phát huy khả năng trước những radar phòng không tần số cao (HF).
Một số chuyên gia quân đội Mỹ cũng từng tính đến kịch bản trong tương lai các máy bay chiến đấu tàng hình sẽ bị chế ngự. Khi bàn luận về chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert, chỉ huy tác chiến hải quân Mỹ, hồi tháng một cho biết ông không quá đề cao yếu tố tàng hình.
Đây không phải lần đầu tiên ông Greenert đặt nghi vấn trước khả năng tồn tại lâu dài của công nghệ tàng hình. Trong một báo cáo đưa ra năm 2012, ông Greenert nhận định các hệ thống máy tính mạnh mẽ về sau sẽ làm giảm đáng kể giá trị của công nghệ tàng hình.
"Đã đến lúc cân nhắc tới việc chuyển đổi trọng tâm của chúng ta từ những nền tảng chủ yếu dựa vào công nghệ tàng hình sang những cơ chế mới đi trước cả đối thủ, như sử dụng vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không hay các phương tiện không người lái, hoặc triển khai hệ thống tác chiến điện tử nhằm làm nhiễu loạn khả năng cảm ứng của đối phương, thay vì cố giấu máy bay của ta".
Tuy nhiên, không phải tất cả đều đồng tình với quan điểm trên. Phản bác lại những lời bình luận của ông Greenert, Tướng Hawk Carlisle, lãnh đạo Bộ chỉ huy tác chiến trên không, cho rằng chiến đấu cơ tàng hình sẽ tiếp tục "giữ một vai trò vô cùng quan trọng" đối với Mỹ.
Vũ Hoàng