Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, quân vương trị vì lâu nhất trong lịch sử, là nỗi mất mát lớn với nước Anh và hoàng gia, đồng thời mở ra thời kỳ mới với nhiều thay đổi rõ rệt. Giờ đây, các thành viên hoàng gia phải mang những trọng trách và nghĩa vụ mới, đi kèm những thách thức mà họ chưa từng đối mặt trước đây.
Vua Charles III
Thời khắc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời cũng là lúc Thái tử Charles trở thành nhà vua mới của Anh. Trên cương vị người đứng đầu chế độ quân chủ Anh, ông đã chọn lấy tên Vua Charles III.
Tất cả các quyền lợi và trách nhiệm gắn liền với ngôi vị quân vương giờ đây thuộc về Vua Charles III.
Ông trở thành nguyên thủ quốc gia không chỉ ở Vương quốc Anh mà còn ở 14 vương quốc Thịnh vượng Chung khác, trong đó có cả Australia và Canada. Vua Charles III cũng sẽ trở thành người đứng đầu Khối Thịnh vượng Chung gồm 56 thành viên. Dù đó không phải vị trí "cha truyền con nối", vai trò này đã được các lãnh đạo của khối thống nhất tại một cuộc họp ở thủ đô London, Anh, hồi năm 2018.
Nhà vua cũng trở thành người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Anh, cơ quan tư pháp và dân sự, Người quản trị Tối thượng của Giáo hội Anh. Vua Charles III giờ đây còn được coi là "người ban phát mọi danh dự", có nghĩa mọi tước hiệu như hiệp sĩ, đều sẽ được trao nhân danh ông.
Vai trò của chế độ quân chủ ở Anh được xác định bằng các quy tắc và thông lệ, không phải quy định trong văn bản luật pháp cụ thể. Nhà vua có nghĩa vụ duy trì quan điểm khách quan về chính trị, đồng nghĩa Vua Charles III giờ đây sẽ phải cẩn trọng hơn khi bày tỏ những suy nghĩ cá nhân của mình.
Vua Charles là người đấu tranh mạnh mẽ cho các phương pháp y học thay thế và kỹ thuật canh tác hữu cơ. Năm 1984, ông bày tỏ thất vọng trước những "ngôi nhà bằng kính hay những tòa tháp bê tông" của kiến trúc hiện đại. Ông đã cảnh báo về biến đổi khí hậu suốt nhiều thập kỷ qua.
Trong một bộ phim tài liệu của BBC kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông, Vua Charles III, lúc bấy giờ vẫn còn là Thái tử, thừa nhận bản thân từng không ít lần can thiệp vào chính trị Anh, nhưng ông cam kết sẽ không thể hiện quan điểm cá nhân của mình trong các vấn đề chính trị gây tranh cãi khi trở thành vua.
Nữ hoàng Elizabeth II luôn "đứng ngoài chính trị" và hiếm khi thể hiện ý kiến cá nhân trước các vấn đề gây chia rẽ. Vì thế, bà luôn nhận được ủng hộ từ công chúng cũng như quốc hội.
Công chúng sẽ không bao giờ biết Nữ hoàng đã thảo luận những gì trong các cuộc gặp thường kỳ với các đời thủ tướng Anh, bắt đầu từ thời Winston Churchill. Tuy nhiên, Vua Charles là người thẳng thắn hơn, khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi về khả năng ông sẽ im lặng về các vấn đề chính sách lớn trước công chúng, nhưng vẫn âm thầm vận động nơi hậu trường cho quan điểm của mình.
Tiếp kiến thủ tướng là một trong những nhiệm vụ hiến định mà Vua Charles III phải thực hiện, giúp ông tiếp xúc thường xuyên với các nhà hoạch định chính sách của đất nước. Nhà vua còn bổ nhiệm thủ tướng, khai mạc các kỳ họp quốc hội, thông qua đạo luật, phê chuẩn chức vụ, nhận quốc thư của các đại sứ nước ngoài cũng như đón tiếp các lãnh đạo thế giới trong những chuyến thăm cấp nhà nước.
Vua Charles III đồng thời đảm nhận vị trí mang ý nghĩa biểu tượng là Người lãnh đạo Quốc gia, có nghĩa ông sẽ trở thành biểu tượng cho bản sắc, sự thống nhất và niềm tự hào dân tộc. Ông đại diện cho sự tiếp nối và thay mặt đất nước tôn vinh những giá trị xuất chúng. Đây là lý do nhà vua luôn khai mạc các sự kiện quốc gia hay những lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước.
Tất cả các dinh thự của hoàng gia, trong đó có Điện Buckingham và Lâu đài Windsor, đều sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Vua Charles III. Ông nhiều khả năng cũng sẽ tiếp quản các dinh thự khác như Balmoral ở Scotland hay Sandringham ở Norfolk.
Khi lên ngôi, ông sẽ nhận được trợ cấp đặc biệt, bao gồm chi phí cho các nhiệm vụ chính thức của nhà vua, lên tới 99,2 triệu USD cho năm tài khóa 2021-2022. Vua Charles III sẽ phụ trách Bộ sưu tập Hoàng gia, một trong những bộ sưu tập nghệ thuật có giá trị nhất trên thế giới.
Ông cũng thừa hưởng Công quốc Lancaster, một bất động sản rộng lớn với diện tích hơn 10.000 ha, các bất động sản cao cấp ở London và một danh mục đầu tư khá dài. Điều đó sẽ biến Vua Charles III đã trở thành một trong những người giàu nhất nước Anh.
Vương hậu Camilla
Suốt nhiều năm, câu hỏi xung quanh tước hiệu của Công nương Camilla luôn là đề tài gây chú ý. Bà là vợ hai của Thái tử Charles sau khi Công nương Diana qua đời vào năm 1997.
Trong đám cưới của họ vào tháng 2/2005, thông báo chính thức có đoạn: "Bà Parker Bowles nên sử dụng tước hiệu Vương phi khi Thân vương xứ Wales đăng quang". Đây là tín hiệu rất rõ ràng rằng bà Camilla sẽ không sử dụng tước hiệu Vương hậu.
Tuy nhiên, hồi tháng 2, Nữ hoàng Elizabeth II đã bày tỏ mong muốn con dâu mình sẽ được gọi bằng tước hiệu Vương hậu khi Thái tử Charles trở thành vua. Tuyên bố của Nữ hoàng đã giải quyết hoàn toàn mọi tranh cãi liên quan đến tước hiệu của bà Camilla.
Mong muốn của Nữ hoàng lúc bấy giờ cũng được vợ chồng Thái tử Charles đón nhận. Họ cho biết bản thân cảm thấy "cảm động và vinh dự vì những lời căn dặn của Nữ hoàng".
Theo truyền thống, sau khi đăng quang, Vua Charles III và Vương hậu Camilla sẽ chuyển đến Điện Buckingham, nhưng vào năm 2011, BBC đưa tin Thái tử Charles khi đó đang cân nhắc chuyển toàn bộ triều đình của mình đến Windsor và biến Điện Buckingham thành trung tâm tổ chức sự kiện. Đây sẽ là một bước thay đổi gây tranh cãi, nhưng cũng sẽ khẳng định quyền lực cũng như vị thế của tân vương.
Thái tử William và Vương phi Catherine
Trước đây, Thái tử Charles III chịu trách nhiệm trang trải chi phí cho người kế vị của mình, Hoàng tử William.
Nhưng William giờ đây kế thừa lại tước hiệu Công tước xứ Cornwall, đi kèm với một bất động sản mà năm ngoái mang lại thu nhập lên đến 26 triệu USD. Số tiền này sẽ được chuyển thẳng đến tài khoản của William.
Ngoài tước hiệu Công tước xứ Cornwall và Cambridge, William giờ đây cũng trở thành Thân vương xứ Wales, với tư cách người thừa kế ngai vàng hàng đầu. Khi đó, Công nương Catherine sẽ trở thành Vương phi xứ Wales, Công nương xứ Cornwall và Cambridge. Tuy nhiên, điều này sẽ cần được hoàng gia thông báo cụ thể.
William và Catherine đang sống tại Cung điện Kensington ở phía tây London, trong một căn hộ đã được tân trang ngay sau khi họ kết hôn. Có vẻ như Thái tử William sẽ không muốn chuyển đi, vì thế, các dinh thự trước đây của nhà vua, trong đó có dinh thự Clarence và Birkhall ở Cao nguyên Scotland, có thể vẫn bị bỏ trống cho đến khi Vua Charles III trao chúng cho các thành viên hoàng gia khác.
Hoàng tử George, Công chúa Charlotte và Hoàng tử Louis cũng sẽ được thay đổi tước hiệu, trở thành Vương tôn George, Nữ vương tôn Charlotte và Vương tôn Louis xứ Wales.
Harry và Meghan
Ít có khả năng Harry, con trai thứ hai của Vua Charles III, sẽ được cung cấp một văn phòng hoàng gia, trừ khi anh và vợ Meghan quay trở lại thực hiện các nghĩa vụ hoàng gia của họ.
Bên cạnh đó, nhà vua cũng cần xác nhận rằng họ có thể tiếp tục sử dụng Frogmore Cottage trên điền trang Windsor hay không, bởi đây là một phần của bất động sản hoàng gia. Họ hiện sống với con trai Archie và con gái Lilibet ở California, Mỹ, nhưng được phép tiếp tục sử dụng Frogmore Cottage làm nơi ở trong thời gian Nữ hoàng trị vì.
Khi Harry và Meghan thông báo vào đầu năm 2020 rằng họ sẽ rút lui khỏi nhiệm vụ hoàng gia, họ cho biết sẽ "làm việc để trở nên độc lập về tài chính". Các điều khoản chia tách quy định rằng mặc dù cặp đôi luôn là một phần của hoàng gia, họ sẽ không còn được sử dụng tước hiệu riêng nữa.
Là cháu của quốc vương, Archie giờ đây tự động trở thành Vương tôn Archie xứ Sussex, trong khi Lilibet sẽ là Nữ vương tôn Lilibet xứ Sussex. Tuy nhiên, vợ chồng Harry chưa tiết lộ liệu Archie và Lilibet có sử dụng những tước hiệu hoàng gia này hay không.
Vũ Hoàng (Theo CNN)