Tiếng ồn ở thành thị đến từ nhiều nguồn, một trong số đó đến từ các cửa hàng bật loa phát nhạc ầm ĩ, hòng tạo sự chú ý của người đi đường:
Tôi không bao giờ mua sắm tại những cửa hàng "khủng bố" âm thanh. Khi việc kinh doanh không ổn họ thường treo bảng giảm giá, vác cái loa ra để trước cửa, mở công suất lớn nhằm gây chú ý người qua lại. Kiểu này tôi rất dị ứng nên không bao giờ tôi ghé xem và mua hàng.
Tôi đã kinh doanh cả 20 năm, chưa một lần nào treo bảng giảm giá và mở nhạc gây mất trật tự. Vậy mà lượng khách hàng vẫn tốt.
Tiếng ồn đến từ loa từ những người bán hàng trên xe ba gác ở chợ, loa của những cửa hàng phát thông báo khuyến mãi hay mở nhạc lớn. Tôi đi ngang các cửa hàng mà chịu không nổi. Còn loa ở chợ thì thôi rồi. Họ thu âm rồi phát liên hồi để bán các loại rau củ quả... Chỉ mong các cơ quan sớm ban hành luật để không còn bị tra tấn lỗ tai như thế này.
Các cửa hàng điện máy hay cửa hàng điện thoại di động thường đặt ở những ngã tư đường. Ngày thường họ đã bật loa quảng cáo điếc cả tai, những ngày thứ bảy, chủ nhật hay lễ, Tết thì họ xây dựng sân khấu để hát hò khuyến mại. Vừa ô nhiễm tiếng ồn vừa gây tò mò là kẹt xe nhưng có thấy xử phạt gì đâu?
Ai ở kế bên tụ điểm karaoke thì thôi rồi. Dù có cách âm tốt cỡ nào thì tiếng vọng và độ rung cũng đi xuyên qua tường gây khó chịu vô cùng. Thưa kiện thì như nước đổ lá khoai thôi.
Ở Nhật các cửa hàng quảng cáo là nhân viên ra dùng loa mồm để quảng cáo. Ở Việt Nam thì cứ loa thùng, chĩa ra ngoài đường để gây sự chú ý, từ hàng điện máy cho đến hàng bán đồ tạp hóa vỉa hè.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.