Theo quyết định tối 29/7 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm sàn vào các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật lấy 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển ba môn văn hóa.
Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 17, đã cộng điểm ưu tiên, không nhân hệ số, bằng năm ngoái. Các trường có ngành đào tạo giáo viên, sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT không được lấy điểm chuẩn dưới sàn.
PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, đánh giá điểm sàn với khối ngành đào tạo giáo viên năm nay là phù hợp. "Ngưỡng này đã được cân nhắc, tính toán kỹ trên nhiều phương diện, trong đó có quá trình tuyển sinh các năm trước, điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 cũng như phổ điểm từng tổ hợp, tình hình tuyển sinh các trường", ông Đức cho hay.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội, nhận định điểm sàn khối ngành sư phạm không thay đổi so với năm 2021 và điểm thi tốt nghiệp THPT cũng biến động không quá lớn.
Ông Minh cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra ngưỡng điểm sàn với các ngành đào tạo giáo viên là cần thiết, bởi "để trở thành thầy cô giáo tương lai, thí sinh cần những chuẩn mực nhất định".
Bên cạnh đó, hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý thí sinh điểm sàn chỉ là điều kiện cần, không phải điểm chuẩn. "Chẳng hạn, điểm sàn năm ngoái 19 trong khi ngành tiếng Anh của trường chúng tôi lấy 28 điểm chuẩn. Do đó, trong quá trình đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần chú ý ngưỡng này, bên cạnh các yêu cầu về thủ tục, hồ sơ khác", ông Minh nói.
Quy định điểm sàn chung với nhóm ngành giáo viên có từ năm 2018, xuất phát từ thực tế tuyển sinh năm 2017, nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn thấp, thậm chí có trường chỉ lấy 3 điểm mỗi môn. Việc quy định điểm sàn khối ngành sư phạm giúp thu hẹp khoảng cách đầu vào khối ngành này ở các trường.
Năm ngoái, Đại học Sư phạm Hà Nội lấy điểm trúng tuyển cao nhất trong nhóm trường đào tạo ngành sư phạm. Trong đó, ngành lấy cao nhất là Sư phạm Tiếng Anh - 28,53 điểm cho tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).
Cũng trong tối qua, điểm sàn của các ngành nhóm sức khỏe được bông bố. Như các năm trước, ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có điểm sàn cao nhất. Thí sinh phải đạt 22 điểm tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT (đã bao gồm điểm ưu tiên, không nhân hệ số) mới đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Hai ngành Y học cổ truyền và Dược học có điểm sàn thấp hơn một chút, ở mức 21. Các ngành khác thuộc nhóm ngành sức khỏe có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 19 điểm, gồm Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng. Các mức này bằng hai năm qua.
PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Y Hà Nội, cho biết quyết định điểm sàn ngành sức khỏe được đưa ra dựa trên các yếu tố, gồm phân tích tổng điểm, độ khó của ba môn Toán, Hóa, Sinh (tổ hợp B00) năm 2022 so với các năm 2020, 2021; điều kiện tổ chức học tập của các trường phổ thông trong ba năm dịch bệnh.
"Trên cơ sở tổng chỉ tiêu của các trường đào tạo ngành sức khỏe, cả công lập và ngoài công lập, chúng tôi cho rằng mức điểm này là phù hợp", ông Tùng nhận định và đưa ra hai lý do: đảm bảo chất lượng đầu vào mà không ảnh hưởng đến chuẩn đầu ra; đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng để nâng cao hiệu quả chăm sóc y tế trong thời gian tới.
Về phía Bộ Y tế, TS Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo, cũng đánh giá ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề vừa được quyết định là rất phù hợp.
"Do Covid-19, học sinh dự thi tốt nghiệp năm nay đã gặp nhiều khó khăn do học tập vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Qua thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta thấy chất lượng đề thi về cơ bản giữ được như năm trước và chất lượng đầu vào như vậy là phù hợp", ông Tác chia sẻ.
Việc quy định mức điểm sàn chung với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện bốn năm nay nhằm nâng cao chất lượng đầu vào với ngành nghề quan trọng, liên quan đến sức khỏe.
Với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe hàng đầu như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM và một số trường công lập khác, ngưỡng sàn này không có quá nhiều ý nghĩa bởi điểm trúng tuyển luôn cao hơn nhiều so với mức sàn. Chẳng hạn Đại học Y Hà Nội năm ngoái lấy điểm chuẩn từ 23,2 đến 28,85.
Tuy nhiên các trường top cuối hoặc khối ngoài công lập, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào rất quan trọng, giúp thắt chặt công tác tuyển sinh và chất lượng sinh viên của khối ngành này. Thực tế, điểm trúng tuyển vào các trường có đào tạo Y Dược, đặc biệt là trường tư thục, tăng lên đáng kể so với giai đoạn chưa quy định điểm sàn chung.
Dựa vào điểm sàn của các trường, trong khoảng một tháng từ 22/7 đến 20/8, thí sinh sẽ đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến. Trước 17h ngày 17/9, các đại học sẽ công bố điểm chuẩn và thí sinh hoàn thành nhập học hạn cuối vào 30/9.
Tú Linh