Đại học Bách khoa TP HCM công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức với 9 ngành có điểm chuẩn trên 900 (thang điểm 1.200).
Ngành có điểm cao nhất là Khoa học máy tính 974 điểm, tiếp đó là Khoa học máy tính (chất lượng cao) 972, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chất lượng cao) 953, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp (đại trà) 945.
So với năm ngoái, mức điểm chuẩn này tăng mạnh. Năm 2020, 3 ngành có điểm trúng tuyển cao nhất gồm Khoa học máy tính 927 điểm, Kỹ thuật công nghiệp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 906 điểm.
>>Xem điểm chuẩn Đại học Bách khoa
Theo thống kê của Đại học Bách khoa, gần 40% thí sinh trúng tuyển có điểm thi đánh giá năng lực từ 900 điểm trở lên; số điểm trên 1.000 khoảng 5,5%. Điểm trung bình của thí sinh trúng tuyển năm nay theo phương thức này là 876. Thí sinh có điểm cao nhất trúng tuyển vào trường là Nguyễn Hồ Tiến Đạt (tỉnh Tiền Giang).
Đại học Bách khoa năm nay tuyển 39 ngành với 5.000 chỉ tiêu, tương đương năm ngoái. Trường có 6 phương thức tuyển sinh, trong đó xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo 1-5% tổng chỉ tiêu, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP HCM 15-25%.
Hai phương thức có tỷ trọng lớn nhất gồm xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT 30-60%, xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM 30-70%. Ngoài ra, trường xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài 1-5%, xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn 1-5%.
Tương tự, điểm trúng tuyển phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Khoa học Tự nhiên tăng nhẹ so với năm ngoái. Điểm chuẩn từ 610 đến 977. Một số ngành có điểm cao nhất gồm Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) 977 điểm; nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin 930; Khoa học dữ liệu 910; Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao) 870; Công nghệ sinh học 850; Hoá học 811.
>>Xem điểm chuẩn Đại học Khoa học Tự nhiên
Những trường THPT có nhiều thí sinh trúng tuyển vào Đại học Khoa học Tự nhiên nhất hầu hết đến từ TP HCM: Phổ thông Năng khiếu, chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Cầu.
Đại học Khoa học Tự nhiên năm nay tuyển 3.600 chỉ tiêu với 5 phương thức. Hai phương thức truyền thống chiếm chỉ tiêu lớn nhất là xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 15-55%; kết quả đánh giá năng lực Đại học Quốc gia 30-60%.
Tại Đại học Công nghệ Thông tin, nhiều ngành có mức điểm chuẩn tăng nhẹ so với năm ngoái. Điểm chuẩn cao nhất ở ngành Khoa học máy tính (hướng Trí tuệ nhân tạo) 950 điểm, Khoa học máy tính (đại trà) 920. Năm ngoái, điểm chuẩn hai ngành này lần lượt là 900 và 870.
Trường tuyển sinh 22 chương trình đào tạo với 6 phương thức, trong đó xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia tối đa 50% và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tối thiểu 25%. Trường còn xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín (tối đa 2%) và xét tuyển theo tiêu chí riêng của chương trình liên kết với Đại học Birmingham City, Anh.
>>Xem điểm chuẩn Đại học Công nghệ Thông tin
Tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, mức điểm chuẩn theo phương thức này dao động từ 601 đến 905. Những ngành có điểm chuẩn cao nhất gồm: Truyền thông đa phương tiện 905, Ngôn ngữ Anh (hệ chuẩn và hệ chất lượng cao) 880, Quan hệ Quốc tế hệ chất lượng cao 865, Tâm lý học 865, Quan hệ quốc tế hệ chuẩn 860, Báo chí hệ chất lượng cao 835, Báo chí hệ chuẩn 830.
Năm nay, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển 3.549 chỉ tiêu với 41 ngành, trong đó mở mới ngành Chính trị học và chương trình chất lượng cao Hàn Quốc học.
Trước đó, trường đã công bố điểm chuẩn theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi nhất trường THPT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia và ưu tiên xét tuyển học sinh là thành viên đội tuyển của tỉnh, thành phố tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
>>Xem điểm chuẩn Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Với phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Kinh tế - Luật tăng chỉ tiêu từ 30% lên tối đa 50%. Trường nhận được gần 8.000 hồ sơ với khoảng 16.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
13 chương trình đào tạo của trường có điểm trúng tuyển từ 900 điểm, cao nhất là Kinh doanh quốc tế với 931 điểm.
Một số ngành mới hệ chất lượng cao bằng tiếng Anh của trường cũng có điểm trúng tuyển cao: Kinh tế đối ngoại 920, Marketing 918, Thương mại điện tử 850; Toán ứng dụng trong kinh tế, quản trị và tài chính 766, Luật Dân sự 702.
>>Xem điểm chuẩn Đại học Kinh tế - Luật
Một trường thành viên khác của Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Quốc tế công bố mức điểm chuẩn 600-870. Theo đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn cao nhất là 870, tiếp đó là ngành Quản trị kinh doanh 860 và Ngôn ngữ Anh 860.
Trường có 3095 chỉ tiêu, 21 ngành với 6 phương thức tuyển sinh. Do Covid-19, Đại học Quốc tế huỷ kỳ thi đánh giá năng lực riêng của trường, thay bằng phương thức xét tuyển kết hợp giữa kết quả học tập THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
>>Xem điểm chuẩn Đại học Quốc tế
Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM) công bố điểm chuẩn đánh giá năng lực: Y khoa (chất lượng cao) 966; Dược học (chất lượng cao) 971; Răng hàm mặt (chất lượng cao) 979. Năm nay, khoa Y có 330 chỉ tiêu ở 3 ngành trên.
Ở Tây Nam Bộ, trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. 23 ngành đều lấy mức 600.
Đại học An Giang năm nay tuyển 2.605 chỉ tiêu với 36 ngành. Trong đó, 10 ngành sư phạm gồm: Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục chính trị, Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hoá học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý và Sư phạm Tiếng Anh.
Phân hiệu Đại học Quốc gia TP HCM tại Bến Tre lấy 619 điểm với ngành Kỹ thuật xây dựng.
>>Xem điểm chuẩn Đại học An Giang
Hầu hết trường, khoa và phân hiệu đều yêu cầu xác nhận nhập học trước 10/8.
Hồi cuối tháng 3, khoảng 68.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức. Kết quả kỳ thi này được gần 70 trường đại học, cao đẳng sử dụng làm phương thức xét tuyển. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 có 29.000 thí sinh, dự kiến diễn ra ngày 18/7 nhưng bị hoãn vì dịch bệnh phức tạp.