Tại cụm thi Đại học Công nghiệp TP HCM (quận Gò Vấp), hàng nghìn thí sinh có mặt từ sáng 28/3, làm các thủ tục dự thi. Tất cả đều đeo khẩu trang, khai báo y tế và các biện pháp chống dịch. Nhiều học sinh tỏ ra tự tin, trong khi một số em hồi hộp trước kỳ thi quan trọng, quyết định con đường vào đại học.
Là học sinh giỏi liên tục 5 học kỳ bậc THPT, Nguyễn Thị Kim Phụng (trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh) chọn khối Khoa học tự nhiên vào đại học. Ngoài dự định xét tuyển đại học bằng tổ hợp Toán, Lý và Hoá, Phụng đăng ký thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển. Biết kỳ thi này đòi hỏi kiến thức rộng, nhiều vấn đề chuyên sâu, Phụng ôn tập kỹ kiến thức trong chương trình, tập trung vào 3 môn thế mạnh.
"Năm ngoái, việc học của em và các bạn bị ảnh hưởng vì Covid-19. Học online ở nhà thuận tiện, có thể tiếp thu được kiến thức nhưng không đầy đủ bằng học trên lớp. Do đó, em ngại nhất ở phần kiến thức lớp 11", Phụng chia sẻ.
Trong khi đó, Huỳnh Minh Long (học sinh trường THPT Hàn Thuyên, quận Phú Nhuận) dành hẳn một tuần trước kỳ thi để ôn tập. Long tìm những đề thi đánh giá năng lực các năm trước, đề thi minh họa rồi tự làm như thi thật.
Năm nay, nam sinh dự định vào trường Đại học Kiến trúc với 3 môn Tiếng Anh, Ngữ văn và năng khiếu Vẽ. Thi đánh giá năng lực cũng là một phương thức để xét tuyển vào trường này. "Em tự tin nhất môn tiếng Anh và nghĩ mình có 80% cơ hội đậu vào trường yêu thích", Long nói.
Với học lực trung bình khá, Phùng Bách Khang (trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh) tham gia kỳ thi chủ yếu để thử sức và làm quen cảm giác phòng thi trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Khang dự định thi vào ngành Cơ điện tử, Đại học Việt Đức, bởi vừa sức học và sở trường. Sau kỳ thi này, Khang tập trung ôn thi tốt nghiệp để có thêm cơ hội đăng ký vào đại học.
Tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM (giáp ranh giữa TP Thủ Đức và TP Dĩ An, Bình Dương), nơi tập trung hơn 10 điểm thi, nhiều xe ùn ứ cục bộ trước giờ thi. Đây là nơi dự thi của hơn 20.000 thí sinh, chủ yếu ở TP HCM và một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh...
Bước vào cổng điểm thi Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế - Luật, tất cả thí sinh được rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt. Em nào quên khẩu trang được phát miễn phí. Ngoài các giấy tờ tuỳ thân, giấy báo dự thi, thí sinh phải trình bản khai báo y tế online.
Đến từ Bình Dương, thí sinh Trần Đức Long tỏ ra thoải mái bởi kỳ thi chủ yếu kiểm tra năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, không đặt nặng ghi nhớ. "Em tham gia kỳ thi này để học hỏi, làm quen, xem như cơ hội trải nghiệm. Nếu đạt điểm cao, đủ vào đại học thì kỳ thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn", Long nói.
Trước đó, gần 70.000 thí sinh đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 1. Trong đó, TP HCM có đông thí sinh nhất với hơn 50.000 em, dự thi tại 35 điểm thi. Kỳ thi còn được tổ chức tại Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đăk Lăk, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu; mỗi nơi 1.000-5.000 thí sinh.
Kết thúc giờ thi, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, thí sinh dự thi đạt gần 98% so với lượng đăng ký. Kết quả thi đợt 1 sẽ được công bố sau một tuần. Dự kiến đầu tháng 5, Đại học Quốc gia sẽ cho đăng ký dự thi đợt 2, được tổ chức tại TP HCM, An Giang, Khánh Hòa và Đà Nẵng.
Đây là năm thứ tư Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức thi đánh giá năng lực. Hiện 70 trường đại học, cao đẳng đã sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh, trong đó có 10 trường, khoa thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM.
Trong phương án tuyển sinh dự kiến của nhiều đại học, phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia đều tăng, như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dành tối đa 50% chỉ tiêu cho phương thức này, Đại học Bách khoa dành tối đa 70%.
Bài thi đánh giá năng lực gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm 150 phút, gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện, các công thức nhằm kiểm tra khả năng suy luận, giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.
Năm ngoái, Đại học Quốc gia TP HCM tính tổ chức thi vào ngày 29/3 và 5/7, nhưng do Covid-19 phải gộp làm một, dời lịch đến cuối tháng 8. Hơn 50.000 thí sinh đăng ký nhưng sau đó khoảng 20.000 em tham gia.