Ngày 4-5/10, hơn 200 đại học đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Như dự đoán của nhiều chuyên gia tuyển sinh, điểm chuẩn tăng 1-3 điểm, nhiều ngành hot tăng 5-8 điểm.
9 điểm mỗi môn mới đỗ đại học
Nếu như nhiều năm trước, điểm chuẩn 27 trở lên (trung bình trên 9 điểm mỗi môn) chỉ rơi vào một số ít ngành như Y khoa, Đông Phương học, Khoa học máy tính... thì năm nay hàng loạt ngành lấy mức chuẩn này như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh...
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Khoa học máy tính (IT1) lấy điểm chuẩn cao nhất, tới 29,04, tăng 1,62 điểm so với năm ngoái. Muốn đỗ vào ngành này, thí sinh phải có ít nhất hai điểm tuyệt đối. Hàng loạt ngành khác ở trường này cũng có điểm chuẩn trên 27 như: Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) 28,65; Kỹ thuật điều khiển, tự động hóa 28,16; Kỹ thuật điện tử, viễn thông 27,3; Toán - Tin 27,56; Kỹ thuật điện 27,1...
Ở Đại học Bách khoa TP HCM, nhiều ngành lấy điểm cao tương tự. Ngành Khoa học máy tính (đại trà) có điểm chuẩn cao nhất là 28, kế đó là các ngành Kỹ thuật máy tính 27,25; Kỹ thuật ôtô 27,5; Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến, chất lượng cao) 27,25; Kỹ thuật cơ điện 27.
Tại một trường đào tạo kỹ sư lớn khác ở phía Nam, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ngành Robot và trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn cao nhất - 27, tăng gần 2 điểm so với năm ngoái. Hoặc Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM), ngành Khoa học máy tính lấy điểm chuẩn 27,2; Khoa học máy tính (hướng Trí tuệ nhân tạo) 27,1; Công nghệ thông tin 27.
Hiện tượng hơn 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển đại học cũng xuất hiện ở khối ngành kinh tế. Với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), tất cả nhóm ngành của Đại học Ngoại thương đều lấy điểm chuẩn từ 27 trở lên. Với các tổ hợp còn lại, điểm chuẩn giảm 0,5.
Đại học Kinh tế quốc dân, ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng lấy điểm chuẩn cao nhất 28, nhiều ngành khác lấy trên 27 như: Kinh tế quốc tế, Quan hệ công chúng, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Quản trị nhân lực, Quản trị khách sạn, Tài chính doanh nghiệp.
Ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng cũng có điểm chuẩn cao nhất 27,4 tại Đại học Kinh tế TP HCM; nhiều ngành khác ở trường lấy trên 27 như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh thương mại.
Năm nay điểm chuẩn tăng đột biến ở khối ngành khoa học xã hội. Cá biệt có ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy điểm chuẩn 30, thí sinh phải đạt ba điểm 10 hoặc có điểm ưu tiên mới có thể trúng tuyển. Nguyên nhân là lần đầu tuyển sinh, trường chỉ tuyển 50 chỉ tiêu, nhưng đã tuyển thẳng 30. Với 20 chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn được đẩy lên mức tuyệt đối.
Cũng ở trường này, ngành Đông Phương học lấy điểm chuẩn 29,75; ngành Quan hệ công chúng lấy 29; Báo chí 28,5 tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Ngành Báo chí tổ hợp C00 cũng có điểm chuẩn cao nhất 27,5 ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). Nhiều ngành khác ở trường cũng có điểm chuẩn trên 27 như: Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành (hệ chuẩn) 27,3; Truyền thông đa phương tiện 27.
Ở khối ngành Luật, thí sinh muốn vào Luật kinh tế của Đại học Luật Hà Nội phải đạt 29 điểm hoặc ngành Luật, khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phải đạt 27,5.
Tại Đại học Luật TP HCM, nhiều ngành có điểm chuẩn tăng 3-8 điểm so với năm ngoái, trong đó ngành Luật có điểm cao nhất 27. Lãnh đạo nhà trường lý giải, ngoài số thí sinh đăng ký vào trường tăng mạnh, cách tính điểm chuẩn năm nay khác nên con số cao hơn mọi năm. Nếu như nhiều năm trước, điểm chuẩn được tính với tỷ trọng khác nhau dựa vào điểm học bạ, điểm thi THPT quốc gia và thi đánh giá năng lực do trường tổ chức thì năm nay chỉ dựa vào điểm tốt nghiệp THPT. Nhiều thí sinh không đọc kỹ đề án tuyển sinh mới của trường - bỏ kỳ thi đánh giá năng lực, sẽ bất ngờ trước điểm chuẩn này.
Khối ngành quân đội, công an hai năm nay không còn đứng đầu về điểm chuẩn, nhưng vẫn chưa giảm bớt sức hấp dẫn do đặc thù của ngành tuyển sinh cũng là tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Sau khi qua vòng sơ tuyển, thí sinh phải đạt trên 27 điểm mới được vào một số ngành của trường Học viện Biên phòng, Sĩ quan Chính trị, Học viện Hậu cần, Học viện Khoa học quân sự, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Phòng cháy chữa cháy...
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Nha Trang) giải thích điểm chuẩn tăng mạnh có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tác động Covid-19, học sinh phải nghỉ học 3 tháng, chuyển sang học online nên đề thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn, phổ điểm trung bình cao hơn so với các năm trước khoảng một điểm mỗi môn. Về mặt logic, tổ hợp xét tuyển sẽ tăng ít nhất 3 điểm, một số ngành hút thí sinh năm trước có điểm chuẩn 25-26 thì năm nay sẽ lên 28-29.
Thứ hai, hầu hết trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, tỷ trọng phân bổ cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm. Một số ngành đã tuyển được 60-70% chỉ tiêu trước đó. "Thực tế, chỉ có một số ít ngành hot của số ít trường có mức điểm được coi là cao đột biến, còn lại vẫn ở mức trung bình", TS Phương đánh giá.
Ngoài ra, nhiều thí sinh có điểm thi thấp đã tận dụng cơ hội nhập học bằng các phương thức xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng... trong khi nhiều em có điểm cao, tâm lý muốn trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp để "oai" hơn, khiến tỷ lệ chọi ở phương thức này cao, sự cạnh tranh gay gắt hơn.
Cùng một trường, điểm chuẩn cách nhau 10 điểm
Điểm chuẩn 2020 chỉ tăng mạnh ở nhiều ngành hot, nhu cầu xã hội lớn, được nhiều người quan tâm. Ngay trong một đại học, các ngành có sự chênh lệch 5-10 điểm, nhất là trường đa ngành, đa lĩnh vực. Có ngành thí sinh phải đạt 8-9 điểm mỗi môn mới đậu, nhưng có ngành chỉ 5-6 điểm.
Ví dụ Đại học Giao thông vận tải lấy điểm chuẩn 16,05-25. Những ngành cao nhất, trên 24 điểm: gồm Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Trong khi đó, nhiều ngành chỉ lấy 16-17 điểm như: Kỹ thuật xây dựng, Công trình giao thông công chính, Công trình giao thông đô thị, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Cầu hầm, đường hầm và metro.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng có mức chênh lệch 10 điểm giữa các ngành, dao động 16-27,2. Nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, chương trình Công nghệ thông tin (tiên tiến), chương trình Công nghệ thông tin (chất lượng cao), Công nghệ Sinh học, Hóa học có điểm chuẩn cao nhất, trên 25. Trong khi một số ngành thu hút ít người học như Khoa học môi trường, Địa chất học, Khoa học vật liệu..., điểm chuẩn chỉ 16-17.
Một thành viên khác của Đại học Quốc gia TP HCM, trường Đại học Quốc tế cũng có điểm chuẩn chênh lệch lớn, cao nhất là 27 điểm, thấp nhất 18. Tương tự, Đại học Y dược TP HCM ngành cao nhất lấy 28,45, thấp nhất 19 điểm.
Đại học Cần Thơ với 92 ngành cũng chia làm hai nhóm với mức điểm chuẩn chênh lệch lớn. Nhóm Sư phạm Toán học, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế, Chính trị học, Xã hội học, Kế toán, Kiểm toán, Luật, Marketing... điểm chuẩn trên 24, trong khi các ngành ở nhóm kỹ thuật, nông nghiệp chỉ 15-16.
Đại học Trà Vinh tuyển sinh ở 55 ngành, nhóm ngành sức khỏe có điểm chuẩn cao nhất: Y khoa 25,2; Răng Hàm Mặt 25; Dược học 21; Kỹ thuật xét nghiệm y học 20,85... Tiếp đó là nhóm sư phạm với các ngành Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm tiếng Khmer trên 18,5 điểm. Khoảng 40 ngành còn lại lấy 15 điểm.
Hàng loạt trường khác cũng có hiện tượng này như Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Nội vụ, Đại học Công nghiệp TP HCM...
Ngoài ra, điểm chuẩn còn chênh lệch lớn giữa cùng một ngành ở cơ sở chính và phân hiệu. Chẳng hạn, ở Đại học Kinh tế TP HCM, ngành Kinh doanh quốc tế ở cơ sở chính TP HCM lấy 27,5 nhưng phân hiệu Vĩnh Long chỉ lấy 16; ngành Hệ thống thông tin quản lý lấy 26,3 cơ sở chính, lấy 16 ở phân hiệu.
Tại Đại học Nông lâm TP HCM, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Thú y (đại trà và chương trình tiên tiến) 24,5 ở cơ sở chính, song chỉ lấy 16 tại hai phân hiệu Gia Lai và Bình Thuận.
Hàng loạt trường chỉ lấy điểm chuẩn 13-15
Điểm chuẩn tăng đã được dự báo trước, bởi phổ điểm thi tốt nghiệp THPT ở tất cả các môn, tổ hợp đều tăng. Tuy nhiên, nhiều trường điểm chuẩn gần như không tăng, hoặc rất ít. Ở phía Bắc, các đại học Tài nguyên và Môi trường, Lâm nghiệp, Công nghệ Giao thông Vận tải, Điện lực, Sao Đỏ, Tân Trào, Nông lâm Bắc Giang... có nhiều ngành lấy 15 điểm. Ở phía Nam có các trường Giao thông Vận tải TP HCM, Đà Lạt, Tây Nguyên, An Giang, Trà Vinh, Cửu Long, Bạc Liêu...
Thậm chí, mức điểm chuẩn 14 cũng được nhiều trường sử dụng. Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM có 12 trên 17 ngành lấy 14 điểm, các ngành còn lại 15-16. Đại học Phan Thiết lấy 14 điểm cho tất cả ngành, bằng mức năm ngoái. Hàng loạt trường khác có ngành lấy 14 điểm như Nội vụ, Lao động Xã hội, Hoa Lư, Hà Tĩnh, Yersin Đà Lạt, Xây dựng Miền Tây.
Mức điểm chuẩn thấp nhất được ghi nhận ở Đại học Quảng Nam với 7 ngành Vật lý học, Công nghệ thông tin, Bảo vệ thực vật, Văn học, Ngôn ngữ Anh, Việt Nam học chỉ lấy 13 điểm, tức trung bình hơn 4,3 mỗi môn.
Ngay sau khi công bố điểm chuẩn, Đại học Kinh tế TP HCM tuyển bổ sung 145 chỉ tiêu cho phân hiệu Vĩnh Long ở 6 ngành, chuyên ngành: Kinh tế và Kinh doanh nông nghiệp, Quản trị, Ngân hàng, Kế toán doanh nghiệp, Thương mại điện tử. Trước đó, những ngành này lấy điểm chuẩn 16.
Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) lấy điểm chuẩn ngành cao nhất 27, nhưng vẫn dự kiến tuyển bổ sung 40% chỉ tiêu cho hầu hết ngành, trừ ngành có điểm chuẩn cao nhất của đợt 1.
Nhiều trường khác cũng rục rịch kế hoạch tuyển bổ sung như: Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Mở TP HCM, Đại học Nha Trang. Ở khối trường tư, phần lớn chưa đủ chỉ tiêu, chờ sau thời gian nhập học 10/10 kết thúc sẽ tuyển bổ sung.
Ở Đại học Công nghiệp Thực phẩm, điểm chuẩn tăng nhẹ nhưng điểm cao chỉ ở một số ngành, còn lại vẫn chỉ ngưỡng 15-16. Trước khi công bố điểm chuẩn, trường phải dừng tuyển sinh ở hai ngành Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu, bởi số nguyện vọng đăng ký ít hơn cả chỉ tiêu và đa số ở nguyện vọng 3-4.