Tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), điểm chuẩn ngành Điều dưỡng Đa khoa 19, Dược sĩ 21, Bác sĩ đa khoa và Răng Hàm Mặt 22, còn lại đều lấy 14. Trường tuyển gần 6.000 sinh viên, chia đều cho hai phương thức xét học bạ và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm ngoái, trường cũng lấy điểm chuẩn 14 cho đa số ngành, riêng y, dược lấy 21.
Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng tuyển sinh duy nhất tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) cho 9 ngành đào tạo. Ngành Y khoa tiếp tục có điểm chuẩn cao nhất - 26,8, sau đó là Dược học 25,6. Các ngành còn lại đa số 22-23, chỉ có Điều dưỡng phụ sản và Điều dưỡng Đa khoa lấy 19, tức bằng mức điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng tuyển 720 sinh viên, điểm chuẩn năm ngoái là 15,6-24,4.
Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) lấy điểm chuẩn 15 cho hai ngành Quản trị kinh doanh (Quản trị bệnh viện) và Ngôn ngữ Anh. Ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt cao nhất - 22 điểm, sau đó là Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học 19.
Trường tuyển 500 sinh viên, điểm chuẩn năm ngoái dao động 19-21.
Đại học Quảng Nam có hai mức điểm chuẩn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các ngành Sư phạm Toán, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn và Giáo dục mầm non, Tiểu học có điểm chuẩn 18,5, còn lại 13.
Trường tuyển 1.040 sinh viên, điểm chuẩn năm ngoái 13-18.
Đại học Phú Yên lấy điểm chuẩn 18,5 cho 9 ngành đào tạo trình độ đại học, không phân biệt tổ hợp. Riêng ngành Giáo dục mầm non hệ đại học và cao đẳng có thêm tiêu chí phụ (điểm thi Văn hoặc Toán + Điểm ưu tiên)/3 lần lượt không thấp hơn 6,17 và 5,5 mới đạt yêu cầu).
Năm nay, trường tuyển 700 sinh viên, điểm chuẩn 2019 dao động 14-18.
Đại học Phan Thiết (Bình Thuận) lấy 14 điểm cho cả 16 ngành đào tạo, bằng với điểm chuẩn năm ngoái. Trường tuyển 1.315 sinh viên, trong đó xét học bạ chiếm 70%, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT (25%) và thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM (5%).
>>Xem điểm chuẩn các trường khác.
Thanh Hằng