Một sáng tháng 10, một nhóm người đến đuổi Rudy Ortega khỏi lều của ông ở Crash Zone, trại vô gia cư gần đường băng sân bay ở San Jose, Thung lũng Silicon, miền bắc bang California. Xe tải, xe cảnh sát vây quanh lều của Ortega, trong khi máy ủi chờ tín hiệu để bắt đầu làm việc.
Crash Zone từng là một khu dân cư, nơi Ortega sinh ra năm 1976. Giới chức địa phương sau đó cho rằng khu vực không an toàn để người dân sinh sống, bởi nó nằm quá gần đường băng. Đầu những năm 1980, chính quyền địa phương giải tỏa, san phẳng 630 ngôi nhà và tái định cư cho người dân tại đây.
Sau khi thất nghiệp và mất nhà năm 2015, Ortega quay lại Crash Zone. Khu đất lúc đó chỉ còn những căn lều của người vô gia cư. Số người vô gia cư tới đây tăng lên 300 khi Covid-19 bùng phát, khiến Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải cảnh báo sẽ ngừng cấp ngân sách cho dự án cải tạo sân bay San Jose nếu chính quyền thành phố không xử lý Crash Zone.
Chính quyền San Jose sau đó ký hợp đồng với công ty xây dựng tư nhân Tucker Construction để cưỡng chế, giải tỏa khu lều trại vô gia cư ở Crash Zone.
"Tucker Construction cơ bản đã tạo ra ngành này ở đây. Tôi có thể nói về việc này nhiều giờ liền", Astrid Stromberg, giám sát dọn dẹp trại vô gia cư tại Tucker Construction, cho biết, thêm rằng hoạt động làm ăn của công ty đã mở rộng đáng kể từ năm 2020.
Tucker Construction được thành lập hơn 40 năm trước bởi Mark Tucker, cư dân San Jose. Công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ phá dỡ, dọn dẹp sau khi được thành phố đề nghị xử lý nhà của một người bị ám ảnh tích trữ, và dần mở rộng quy mô. Tucker Construction hiện có 30 nhân viên chuyên dọn dẹp trại vô gia cư, khách hàng là chính quyền địa phương và cơ quan công cộng ở Thung lũng Silicon.
Dọn dẹp trại vô gia cư đang là ngành sinh lợi hiệu quả. Những năm gần đây, chính quyền bang California đã phê duyệt ngân sách hơn 700 triệu USD trong nỗ lực ứng phó với tình trạng người vô gia cư ngày càng tăng, lên đến 123.000 người.
Kết quả cuộc điều tra do Guardian và tổ chức Type Investigation công bố giữa tháng 4 cho thấy hàng loạt công ty đang cạnh tranh nhau trong lĩnh vực này, từ công ty xây dựng quy mô vừa đến những công ty dịch vụ môi trường hay ứng phó tình trạng khẩn cấp. Ocean Blue là một ví dụ. Công ty chuyên xử lý rác thải độc hại cho biết họ đã phá dỡ, giải tỏa hơn 300 trại vô gia cư một năm ở nam California.
Chính quyền San Jose trong 10 năm qua đã ký với Tucker Construction số hợp đồng có tổng giá trị hơn 10 triệu USD. Hợp đồng cao nhất ở California trị giá 23 triệu USD, được chính quyền bang ký với công ty xây dựng Singh Group để xóa bỏ các trại vô gia cư dọc tuyến đường qua thành phố Berkeley, Oakland và Emeryville.
Những khoản tiền này chưa bao gồm khoản chi cho công chức chính quyền và cảnh sát hỗ trợ quá trình giải tỏa. Matt Mahan, thị trưởng San Jose, thừa nhận đã có những câu hỏi xuất hiện về cách sử dụng ngân sách cho các đợt dọn dẹp như vậy.
Mahan cho biết chính quyền không muốn xua đuổi người vô gia cư quanh San Jose, mà hướng đến cung cấp chỗ ở họ cần. Tuy nhiên, cũng như nhiều thành phố lớn ở Mỹ, San Jose không có đủ nhà dành cho người vô gia cư.
Pete White, sáng lập Mạng lưới Hành động Cộng đồng Los Angeles, cho biết xu hướng thuê công ty tư nhân dọn dẹp trại vô gia cư những năm gần đây có chiều hướng tăng, kéo theo đó là thiệt hại về tài sản mà người vô gia cư phải chịu. Họ cáo buộc các công ty tư nhân như Tucker Construction vi phạm hoặc phớt lờ các quy tắc về đối xử bình đẳng.
Một số người đã đệ đơn kiện, cho rằng việc phá hoại tài sản cá nhân đã vi phạm Tu chính án thứ 4, cấm hành vi khám xét và thu giữ vô lý, và Tu chính án thứ 14 về quyền công dân.
Họ đã có thắng lợi nhất định, như tòa án San Francisco đã ban lệnh cấm giải tỏa trại vô gia cư khi cơ sở tiếp nhận người không có chỗ ở của chính quyền thiếu chỗ. Năm 2021, tòa án thành phố Los Angeles yêu cầu nhân viên công ty giải tỏa phải bảo quản đệm, ghế và lều của người vô gia cư. Tuy nhiên, việc thực hiện phán quyết vẫn là "vùng xám pháp lý".
Nhiều người vô gia cư được cho là phải chuyển chỗ nhiều lần một năm. Tỷ lệ người nhập viện và tử vong cũng tăng đáng kể sau các đợt cưỡng chế. Một nghiên cứu cho thấy những người vô gia cư thường bị mất thuốc men và vật tư y tế cần thiết trong quá trình lều trại của họ bị giải tỏa.
Họ cũng bị đẩy vào "những khu vực độc hại, cô lập hơn". Một số còn bị bắt và phải ngồi tù. Giới chức địa phương cũng triển khai các nỗ lực để cung cấp dịch vụ và chỗ ở cho những người bị ảnh hưởng, nhưng đa phần họ lại chọn bắt đầu cắm trại ở một nơi gần đó.
"Trải qua những điều này gây ra tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần", Ortega nói. "Bạn sẽ rối bời".
Kết quả khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở của Đại học Harvard, Mỹ, công bố ngày 25/1 cho thấy khoảng 653.100 người vô gia cư ở các bang trên toàn Mỹ tính đến tháng 1/2023, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước đó và 48% so với năm 2015. Đây là con số cao nhất mọi thời đại, đồng thời là mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ khi trung tâm bắt đầu ghi nhận số liệu.
Lượng người vô gia cư tăng mạnh đang là bài toán đau đầu với giới chức Mỹ. AP tháng 11/2023 cho biết có nhiều lý do khiến người vô gia cư không muốn vào nơi ở tập trung. Một số nói họ bị tấn công hoặc trộm đồ. Số khác không muốn bỏ bớt đồ đạc của mình hoặc phải tuân theo quy định cấm sử dụng chất kích thích.
Một số thành phố như Grants Pass, bang Oregon chọn cách tiếp cận cứng rắn với người vô gia cư. Grants Pass cấm dựng lều hoặc ngủ ở tòa nhà công cộng hay trong công viên thành phố. Người vi phạm đối mặt án phạt ít nhất 295 USD, tái phạm nhiều lần có thể bị cấm vào công viên 30 ngày. Tiếp tục vi phạm lệnh cấm sẽ bị coi là phạm tội hình sự, án tù lên đến 30 ngày kèm phạt tiền 1.250 USD.
Ba người vô gia cư đã đệ đơn kiện chính quyền Grants Pass vì vi phạm Tu chính án thứ 8 về "không phạt tiền hay xử phạt bất thường và tàn bạo". Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều ra phán quyết có lợi cho người vô gia cư. Chính quyền Grants Pass sau đó kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Đây là vụ kiện đáng chú ý nhất liên quan người vô gia cư được Tòa án Tối cao Mỹ thụ lý trong hàng chục năm qua. Trong phiên tranh luận ngày 22/4, các thẩm phán Tòa án Tối cao vẫn chưa thể xác định những điều chính quyền một thành phố có thể làm để giải quyết vấn đề người vô gia cư mà không vi phạm hiến pháp.
Tòa án Tối cao Mỹ dự kiến ra phán quyết về vấn đề ở Grants Pass vào tháng 6.
Như Tâm (Theo Guardian, CBS News)