Tối 28/6, đại diện Sở Y tế cho biết tuần qua ghi nhận 779 ca tay chân miệng nhập viện, tăng gấp đôi so với trung bình tháng trước. Cộng dồn 6 tháng hơn 3.700 ca mắc, thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng đang tăng nhanh, nhiều ca nặng. 4 trường hợp tử vong, đều là trẻ bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến, do bệnh viện TP HCM là tuyến cuối.
Chủng Enterovirus 71 (EV71) đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao đang chiếm ưu thế, sau gần hai năm không phát hiện. Chủng virus này gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong nhiều hơn so với các tác nhân khác. Sở Y tế dự báo chủng này tiếp tục chiếm ưu thế, có thể tạo thành dịch tay chân miệng.
Trong khi đó, miền Nam vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết vào mùa. Tuần qua TP HCM ghi nhận gần 200 ca, tăng 18% so với trung bình tháng trước, số nhập viện tăng hơn 11%, chưa có trường hợp tử vong. Tổng cộng 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 8.300 ca, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ngành y tế nhận định TP HCM nguy cơ dịch chồng dịch, dẫn đến quá tải y tế, gây nhiễm trùng bệnh viện và lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố giám sát các điểm nguy cơ, khuyến cáo các địa phương phòng dịch. Sở Y tế đã xây dựng các kịch bản thu dung, điều trị, đảm bảo thuốc và nhân lực.
Đầu tháng 6, Sở Y tế TP HCM đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Vài ngày trước, 6.000 lọ thuốc do một công ty nhập khẩu đã được cấp chứng nhận chất lượng, các bệnh viện đang tiến hành mua sắm thuốc.
Để phòng dịch tay chân miệng, trẻ và người chăm sóc trẻ nên rửa tay thường xuyên; vệ sinh dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách vệ sinh môi trường, diệt muỗi và loăng quăng, ngủ phải mắc mùng màn.
Lê Phương