Trả lời:
Địa liền còn gọi là sơn nại, tam nại, thiên liền, sa khương. Tên khoa học là Kaempferia galanga L., (Kaempferia rotunda Ridl). Sơn nại (Rhizoma Kaempferiae) là thân rễ thái mỏng, phơi khô của cây địa liền. Tên địa liền vì lá mọc sát mặt đất.
Địa liền là một loại cỏ nhỏ, sống lâu năm, thân rễ hình củ nhỏ, bám vào nhau, hình trứng. Lá 2 hoặc 3 mọc sát mặt đất, hình trứng, phía cuống hẹp lại thành một cuống dài độ 1-2 cm, mặt trên xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông mịn, cả hai mặt đều có những điểm nhỏ, dài rộng gần bằng nhau, chừng 8-15cm. Cụm hoa mọc ở giữa, không cuống, gồm 8-10 hoa màu trắng với những điểm tím ở giữa. Cây quanh năm xanh tốt. Mùa hoa vào tháng 8 tháng 9.
Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, người ta đào củ về, chọn những cây đã trên 2 năm, rửa sạch đất cát, thái thành miếng mỏng, xông diêm sinh một ngày rồi phơi khô. Tuyệt đối không sấy than vì củ sẽ đen, mùi kém thơm. Có nơi chỉ đào củ về, rửa sạch phơi khô. Địa liền rất dễ bảo quản, hầu như không bị mốc, mọt dù điều kiện bảo quản cũng như các vị thuốc khác.
Địa liền còn dùng trong phạm vi nhân dân. Theo tài liệu cổ, địa liền vị cay, tính ôn, vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng ôn trung tán hàn, trừ thấp, tịch (tránh) uế, chữa ngực bụng lạnh đau, đau răng. Nó thường được dùng làm thuốc trợ giúp tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, chóng tiêu và còn dùng làm thuốc xông. Ngâm rượu dùng xoa bóp chữa tê phù, tê thấp, nhức đầu, đau nhức.
Ngày dùng 2-4 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, thuốc viên hay pha như pha trà mà uống.
Đơn thuốc có địa liền: Địa liền 2 g, quế chi 1 g. Hai vị tán nhỏ, chia làm 3 lần uống trong một ngày, mỗi lần 0,5 hay 1 g bột. Dùng chữa ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh.
GS Đỗ Tất Lợi, Sức Khỏe & Đời Sống