TP HCM đang lấy ý kiến người dân để hoàn thiện đề án sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới cấp thành phố. Chính quyền thành phố dự kiến lấy tên đơn vị hành chính mới là Thủ Đức vì cách đây hơn 20 năm, cả 3 quận này thuộc địa bàn huyện Thủ Đức.
Tuy nhiên, việc này còn nhiều ý kiến không đồng tình từ phía cử tri, nhất là tại quận 2. Tổng hợp UBND quận 2, hơn 14.500 người trong số 72.500 cử tri quận này không đồng tình tên gọi thành phố Thủ Đức. Con số này chiếm tỷ lệ 20%, cao nhất trong 3 quận (quận 9: 3,19%, quận Thủ Đức: 1,15%) được lấy ý kiến.
Thủ Đức là vùng đất thuộc huyện Ngãi An, tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai ngày nay). Theo dòng lịch sử, nơi này được cắt ra, sáp nhập vào tỉnh Gia Định (một phần TP HCM ngày nay). Theo một số tài liệu được ghi chép lại, tên gọi Thủ Đức bắt nguồn từ tên hiệu Thủ Đức của ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy) – người có công lao với vùng đất này từ năm 1679 đến 1725.
Văn tự Hán Nôm trên bia mộ ông Tạ Dương Minh có ghi "Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông nước Đại Nam. Ông mất ngày 19 tháng 6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890". Theo đó, ông mất ngày 19/6 (chưa rõ năm), mộ bị thất lạc một thời gian, đến năm Canh Dần (1890), làng Linh Chiểu Đông mới tìm được rồi trùng tu như hiện nay.
Ông Tạ Dương Minh là người Hoa nằm trong phong trào "phản Thanh phục Minh", bị truy đuổi phải di cư sang Việt Nam thần phục nhà Nguyễn. Ông được thu nhận và phân đi vùng Linh Chiểu Đông để khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp. Tại đây ông cùng nhiều người miền Trung và người bản địa mở rộng canh tác, lập làng mở mang cơ nghiệp.
Để thuận tiện cho người dân buôn bán, ông cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện buôn bán ở khu vực này, được gọi là chợ Thủ Đức – một trong những ngôi chợ lớn, sầm uất của vùng thời bấy giờ.
Thời Pháp thuộc, ngày 9/10/1868, tên Thủ Đức xuất hiện lần đầu với việc huyện Ngãi An tách ra lập khu thanh tra độc lập tên là Thủ Đức. Đến ngày 1/1/1911, tỉnh Gia Định được người Pháp chia thành 4 quận là Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp và Nhà Bè. Như vậy tên gọi Thủ Đức xuất hiện cách đây ít nhất 150 năm.
Năm 1955, dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Thủ Đức vẫn là một quận của tỉnh Gia Định, gồm có 5 tổng: An Bình, An Điền, An Thổ, An Thuỷ, Vĩnh Long Hạ với tổng cộng 19 làng (xã). Quận lỵ Thủ Đức đặt tại xã Linh Đông. Năm 1966, xã An Khánh (thuộc tổng An Bình) được nhập vào Đô thành Sài Gòn. Sau đó xã này chia thành 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm thuộc quận 1 (quận Nhất), năm 1967 bị tách ra lập nên quận 9 (quận Chín) thuộc Đô thành Sài Gòn.
Sau năm 1975, chính quyền cách mạng thành lập huyện Thủ Đức trên cơ sở toàn bộ quận Thủ Đức cũ từ thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một năm sau, quận Chín bị giải thể. Hai phường trực thuộc chuyển thành hai xã Thủ Thiêm và An Khánh nhập vào huyện Thủ Đức.
Trước năm 1997, TP HCM có 20 quận huyện (15 quận, 5 huyện). Ngày 6/1/1997, Nghị định 03 do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký, thành lập quận 2, 9, Thủ Đức (tách từ huyện Thủ Đức), quận 7 (tách từ huyện Nhà Bè), quận 12 (tách từ huyện Hóc Môn), nâng tổng số quận huyện của thành phố lên 24 (19 quận, 5 huyện).
Theo nghị định trên, quận 2 rộng 5.020 ha, có 11 phường: An Phú, Thảo Điền, An Khánh, Bình Khánh, Bình An, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Cát Lát, Thạnh Mỹ Lợi.
Quận 9 rộng 11.362 ha, gồm 13 phường: Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Trường, Trường Thạnh, Phước Bình, Tân Phú, Hiệp Phú, Long Thạnh Mỹ, Long Bình, Long Phước, Phú Hữu.
Quận Thủ Đức rộng 4.726 ha, 12 phường: Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Xuân, Linh Chiểu, Trường Thọ, Bình Chiểu, Linh Tây, Bình Thọ, Tam Bình, Linh Trung.
Liên quan việc đặt tên thành phố mới sau sáp nhập, một lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM cho biết, hiện thành phố lấy ý kiến người dân xây dựng dự thảo đề án. Quá trình xây dựng, TP HCM có thể tham khảo thêm một số tên gọi khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới là cơ quan quyết định tên gọi của thành phố mới.
Trung Sơn