Tại hội nghị tiếp xúc khoảng 200 cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ X Quốc hội khoá XIV ngày 7/10, nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với tên gọi mới sau khi nhập quận 2, 9, Thủ Đức là Thành phố Thủ Đức, đề nghị chọn nhiều tên khác.
Trước đó, thành phố lấy ý kiến người dân 3 quận về việc sáp nhập và đổi tên mới. Kết quả tổng hợp phiếu của UBND quận 2, có hơn 14.500 người trong tổng số 72.500 cử tri quận này không đồng tình tên gọi thành phố Thủ Đức. Con số này chiếm tỷ lệ 20%, cao nhất trong 3 quận (quận 9: 3,19%, quận Thủ Đức: 1,15%) được lấy ý kiến.
Tên gọi Thủ Đức được cho bắt nguồn từ tên hiệu "Thủ Đức" của ông Tạ Dương Minh – người có công lao với vùng đất này trong giai đoạn 1679-1725. Trải qua nhiều lần tách nhập, sau 1975 huyện Thủ Đức bao gồm cả quận 2 và 9, đến năm 1997 mới thành 3 quận như bây giờ.
Tại hội nghị Thành ủy lần 43 hôm 25/7, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tên thành phố mới sẽ được thống nhất sau khi đề án được Quốc hội thông qua. Trong thời gian chờ đợi, thành phố tạm lấy tên là thành phố Thủ Đức.
Có 10 câu trong số 24 câu hỏi cử tri đặt ra tại buổi tiếp xúc liên quan tên gọi thành phố mới. Bà Lê Thị Bạch Tuyết ở phường Bình Trưng cho biết trong 297 hộ ở tổ của bà chỉ có 5 hộ đồng ý tên thành phố Thủ Đức. Chưa kể, nhiều người cho rằng quận 2 đang phát triển, ngày một văn minh nên không cần phải sáp nhập.
"Theo quy hoạch của TP HCM, Thủ Thiêm sau này rất hiện đại và là đô thị tầm cỡ khu vực, trung tâm tài chính quốc tế. Vậy tại sao không lấy tên thành phố mới là Thủ Thiêm mà lại lấy tên Thủ Đức", bà Tuyết nói.
Cùng quan điểm, cử tri Nguyễn Tiến Thịnh cho rằng trước đây cả 3 quận phía Đông từng nằm trong huyện Thủ Đức. Sau hơn 20 năm tách ra, bây giờ 3 quận nhập với nhau quay lại tên gọi cũ là chưa hợp lý. Điều này khiến nhiều người dân quận 2 không đồng tình.
"Tôi đề nghị lấy tên gọi là thành phố Đông hoặc Đông Sài Gòn", ông Thịnh nói và cho rằng dù thành phố hay quận, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Chỉ cần đội ngũ cán bộ có đức, có tài thì kinh tế và xã hội sẽ phát triển, cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.
Tương tự, ông Diệp Sáng, cử tri phường Cát Lái cho biết đồng tình sáp nhập để lập đơn vị hành chính mới nhưng không đồng ý lấy tên Thủ Đức. "Việc lấy lại tên cũ không hợp lý. Thành phố nên xem xét đặt tên là thành phố mới TP HCM để vẫn giữ được tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tên gọi", ông Sáng nói.
Cử tri này cũng cho rằng đề án chọn trung tâm hành chính thành phố mới ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức là không khoa học. Bởi Thủ Đức cách xa quận 2, thường xuyên bị ngập nước, kẹt xe khiến người dân quận 2 sẽ khó khăn trong làm thủ tục. Ông Sáng đề nghị đặt trung tâm thành phố mới ở quận 9.
Một vấn đề khác được nhiều cử tri quận 2 nêu ra trong buổi tiếp xúc hôm nay là khiếu kiện liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Họ đề nghị thành phố phải giải quyết dứt điểm vấn đề này trước khi thực hiện sáp nhập với quận 9 và Thủ Đức. Bởi người dân đã chờ đợi việc giải quyết khiếu nại quá lâu và chính quyền thành phố đã hứa nhiều lần.
Trả lời thắc mắc của các cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cho biết việc thành lập thành phố Thủ Đức là nội dung trong đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên địa bàn. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đang tổ chức phản biện làm rõ những yếu tố của thành phố mới vì việc sáp nhập không hề đơn giản giống như bài toán cộng trừ.
"Quan trọng sự hiến kế để có phương pháp, cách làm tốt nhất giúp thành phố phát triển như cử tri kỳ vọng. Trong đó, cần phải xem xét phương án sử dụng đất, xây dựng bộ máy và trọng tâm là vấn đề con người", ông Khuê nói.
Về vấn đề Thủ Thiêm, ông Khuê cho biết Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo với Chính phủ để tổ chức gặp gỡ và đối thoại với cử tri quận 2 về liên quan khiếu nại 160 ha. Tuy nhiên, cuộc đối thoại chưa thể tổ chức do Covid-19.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố nói rằng bản thân ông và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng mong Thanh tra Chính phủ sớm tiến hành đối thoại để sớm giải quyết được các nguyện vọng của cử tri. "Thường trực Thành ủy luôn đau đáu về vấn đề này và cố gắng làm hết trách nhiệm để ổn định đời sống bà con", ông Khuê nói.
Thành phố Thủ Đức sau khi sáp nhập rộng gần 212 km2, hơn một triệu người. Kế hoạch của UBND thành phố, sau khi lấy ý kiến cử tri, HĐND các cấp sẽ thảo luận, biểu quyết chủ trương sắp xếp. HĐND TP HCM họp cho ý kiến vào ngày 12/10. UBND TP HCM trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25/10.
Trung Sơn