Thông tin được đại diện UBND quận 2 cho biết chiều 5/9 khi đề cập đến kết quả lấy ý kiến cử tri về phương án sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức, đặt tên cho đơn vị hành chính mới được tổ chức hai hôm trước.
Cụ thể, hơn 14.500 người trong tổng số 72.500 cử tri quận 2 không đồng tình với tên gọi thành phố Thủ Đức. Con số này chiếm tỷ lệ 20%, cao nhất trong 3 quận (quận 9: 3,19%, quận Thủ Đức: 1,15%) được tổ chức lấy ý kiến.
Ngoài ra, hơn 1.100 cử tri góp ý tên gọi khác cho thành phố Thủ Đức. Một số tên được đề xuất là thành phố phía Đông, thành phố Sài Gòn, thành phố Thủ Đức mới, thành phố Gia Định, hay thành phố Thủ Thiêm... Theo đại diện UBND quận 2, những đề xuất này chỉ là thiểu số, không tập trung tại một đơn vị.
Tên gọi Thủ Đức bắt nguồn từ tên hiệu "Thủ Đức" của ông Tạ Dương Minh – người có công lao với vùng đất này trong giai đoạn 1679-1725. Trải qua nhiều lần tách nhập, sau 1975 huyện Thủ Đức bao gồm cả quận 2 và 9, đến năm 1997 mới thành 3 quận như bây giờ, theo Nghị quyết 03 của Chính phủ.
Tại hội nghị Thành ủy lần 43 hôm 25/7, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tên gọi thành phố mới sẽ được thống nhất sau khi đề án được Quốc hội thông qua. Trong thời gian chờ đợi, thành phố tạm lấy tên là thành phố Thủ Đức.
Theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã được Bộ Nội vụ thống nhất, ba quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ sáp nhập, hình thành nên thành phố trực thuộc TP HCM, dù 3 quận này không thuộc diện sắp xếp theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thành phố Thủ Đức sau khi sáp nhập rộng gần 212 km2, hơn một triệu người, kỳ vọng trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển TP HCM và Đông Nam Bộ.
Kế hoạch của UBND thành phố, nếu có trên 50% tổng số cử tri ở phường tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp. HĐND TP HCM họp cho ý kiến vào ngày 12/10. UBND TP HCM trình đề án lên Bộ Nội vụ trước 25/10.
Trung Sơn