Trả lời:
Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, thường gặp nhất là thuốc kháng sinh. Dị ứng thuốc được chia làm 2 loại:
1. Dị ứng nhanh: Đây là một phản ứng cấp tính, xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau khi dùng thuốc (thường sau khi tiêm hoặc thử phản ứng, đôi khi có thể xảy ra sau khi uống thuốc). Bệnh nhân cảm thấy choáng váng, khó chịu, ngứa; sau đó có thể khó thở, nổi các sẩn phù màu đỏ trên toàn thân. Các trường hợp này phải được xử trí kịp thời mới cứu được tính mạng.
2. Dị ứng chậm: Phản ứng này diễn ra từ vài ngày đến 1 tháng sau khi dùng thuốc (thường là các thuốc uống, đôi khi là thuốc tiêm). Bệnh nhân cảm thấy ngứa, khó chịu, sau đó xuất hiện các ban đỏ lấm tấm (lúc đầu ít, sau đó có thể lan ra toàn thân) hay các sẩn phù như nổi mề đay. Nếu dị ứng nặng, ban đỏ phủ kín toàn bộ da bệnh nhân.
Ở một số trường hợp, tổn thương là các mụn nước, bọng nước, có thể kèm theo xuất huyết, hoặc có trợt loét ở niêm mạc vùng miệng, sinh dục, hậu môn, mắt.
Đôi khi tình trạng dị ứng thuốc xảy ra ở mức nhẹ nên bệnh nhân không để ý. Ở môi, bộ phận sinh dục hoặc trên da xuất hiện vài ban đỏ hoặc mụn nước, khi khỏi để lại những vết thâm kéo dài. Nếu dùng lại những thuốc đã gây dị ứng thì tổn thương lại xuất hiện trên những vết thâm này.
Khi đã có biểu hiện dị ứng, phải dừng ngay các thuốc đang uống và đến bệnh viện (chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng) để khám. Để đề phòng, tốt nhất là không bao giờ tự ý dùng thuốc, nhất là kháng sinh. Khi đi khám bệnh, phải thông báo với bác sĩ các loại thuốc đã từng gây dị ứng. Không dùng lại các thuốc đã gây dị ứng vì dị ứng những lần sau sẽ nặng hơn lần trước.
ThS Nguyễn Thị Lai, Sức Khỏe & Đời Sống