Trả lời:
Theo mô tả, có thể đây là một thể lâm sàng của nhiễm độc da dị ứng do thuốc; vì cơ thể dị ứng với một số loại thuốc như: bisepton, amoxillin, tetraxyclin, paracetamol, seda, hỗn hợp thần kinh. Mẹ cháu đã uống thuốc cảm cúm, có thể là decolgen hoặc pamine, trong đó đều có thành phần chính là paracetamol... Người bệnh sau khi uống một trong những loại thuốc này sau vài phút hoặc vài giờ thấy ngứa, nổi ban đỏ ở môi, sinh dục (quy đầu, môi lớn, môi bé...) hoặc một vài vị trí khác như kẽ ngón tay, chân, bụng, lưng; phản ứng mạnh sẽ xuất hiện những bọng nước như bị bỏng. Thương tổn hình tròn, bầu dục, kích thước từ 0,5 cm đến vài cm. Da vùng xung quanh hoàn toàn bình thường. Không điều trị thì bệnh cũng giảm dần và để lại dát thẫm màu như bợt sắc tố. Vết đen này sẽ nhạt màu dần theo thời gian. Nhưng nếu vô tình lại uống phải thứ thuốc gây dị ứng đó, thì bệnh lại phát như cũ, và có phần nặng hơn. Điều đặc biệt là bệnh lại xuất hiện tại vị trí cũ nên được gọi là phát ban cố định do thuốc. Cũng có một số trường hợp phát ban cố định do thuốc nhưng không để lại dát sắc tố. Một số bệnh nhân bị tái đi tái lại nhiều lần đã tự tìm ra căn nguyên, còn đại đa số phải nhờ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Điều trị và phòng bệnh: Bệnh nhân nên đến khám chuyên khoa da liễu, các bác sĩ sẽ giúp tìm ra căn nguyên để loại trừ. Tuyệt đối không uống hoặc tiêm những thuốc đã gây dị ứng vì có thể gây sốc phản vệ, không cấp cứu kịp. Chăm sóc thương tổn tại chỗ bằng các thuốc hồ, dung dịch sát khuẩn, mỡ corticoid. Kết hợp với uống thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ, vết thâm đen sẽ nhạt màu dần theo thời gian.
(Sức Khỏe & Đời Sống)