Chuyến bay đặc biệt chở di hài ông Giang Trạch Dân từ thành phố Thượng Hải tới thủ đô Bắc Kinh hạ cánh lúc 15h55 ngày 1/12. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các quan chức cấp cao đón linh cữu tại sân bay.
Sân bay Xijiao treo cờ rủ, cùng các biểu ngữ màu đen với dòng chữ màu trắng "Vinh quang bất diệt cho đồng chí Giang Trạch Dân!", "Đồng chí Giang Trạch Dân luôn sống trong tim chúng ta".
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện, Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các quan chức cấp cao khác đeo băng tay màu đen, cài hoa trắng trước ngực và đứng nghiêm trang trên đường băng.
12 vệ binh danh dự hộ tống và khiêng linh cữu rời máy bay. Ông Tập và những người khác cúi đầu ba lần trước di hài ông Giang Trạch Dân.
Theo truyền thông Trung Quốc, lễ truy điệu sẽ diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân vào sáng 6/12. "Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp, tất cả địa phương và ban ngành phải tổ chức cho phần lớn đảng viên, cán bộ và nhân dân đến nghe và xem", CCTV đưa tin.
Người Trung Quốc sẽ dành ba phút mặc niệm để tưởng nhớ cựu lãnh đạo. Theo CCTV, cả nước Trung Quốc sẽ treo cờ rủ, hoạt động giải trí công cộng bị tạm dừng trong ngày diễn ra lễ truy điệu.
Tại ngôi nhà ông Giang Trạch Dân sinh sống thời thơ ấu ở thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, hàng trăm người tới đặt hoa cúc tưởng nhớ ông.
"Ông là lãnh đạo vĩ đại, yêu nước và tích cực", Li Yaling, một phụ nữ ngoài 60 tuổi, nói. "Chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ ông và cảm thấy mất mát khi ông ra đi".
Yan, người đàn ông trung niên, cho hay ông Giang Trạch Dân là "lãnh đạo rất giỏi". "Ông đã đóng góp to lớn trong việc cải thiện cuộc sống của người dân Dương Châu, đặc biệt thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Với tư cách là lãnh đạo quốc gia, ông tiếp tục cải cách, mở cửa và giúp phát triển nền kinh tế", Yan nói.
Ông Giang Trạch Dân qua đời hôm 30/11 ở tuổi 96 tại Thượng Hải, vì bệnh bạch cầu và suy đa tạng. Các cơ sở ngoại giao của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ tiếp nhận lời chia buồn của các nước trong thời gian tổ chức lễ tang ông Giang Trạch Dân. Đại diện các nước sẽ không được mời tới Trung Quốc dự lễ tang, như một phần của thông lệ tại quốc gia này.
Ông Giang là lãnh đạo nòng cốt trong thế hệ lãnh đạo thứ ba ở Trung Quốc, kéo dài từ năm 1992 đến 2003, được coi là giai đoạn bùng nổ của kinh tế Trung Quốc với học thuyết "Ba đại diện". Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã trải qua thời kỳ phát triển bền vững với một loạt cải cách, thu hồi Hong Kong từ Anh và Macau từ Bồ Đào Nha.
Huyền Lê (Theo Xinhua, AFP)