People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm nay dành toàn bộ trang nhất để nói về ông Giang và đăng bức ảnh lớn chụp ông đeo chiếc kính đặc trưng.
Nhiều người Trung Quốc đã tới đặt hoa tưởng niệm bên ngoài ngôi nhà ông sinh sống thời thơ ấu ở thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Tại Thượng Hải, nơi ông qua đời, một số người dân đứng bên hè phố nơi chiếc xe được cho là chở di hài ông đi qua. Họ giương cao biểu ngữ đen trắng "Đồng chí Giang Trạch Dân sẽ sống mãi trong tim chúng ta".
Hãng thông tấn Xinhua dẫn thông báo của ban lễ tang cho biết các cơ sở ngoại giao của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ tiếp nhận lời chia buồn của các nước trong thời gian tổ chức lễ tang ông Giang Trạch Dân. Đại diện các nước sẽ không được mời tới Trung Quốc dự lễ tang, như một phần của thông lệ tại quốc gia này.
Ban lễ tang nhà nước Trung Quốc hiện vẫn chưa công bố thời gian tổ chức lễ tang ông Giang Trạch Dân, người qua đời hôm 30/11 ở tuổi 96 vì bệnh bạch cầu và suy đa tạng.
Nga, Mỹ, Nhật, Pakistan, Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bảo an LHQ đã gửi lời chia buồn sau khi ông Giang qua đời. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói rằng trong hai chuyến thăm Mỹ với tư cách chủ tịch Trung Quốc, cũng như nhiều cuộc gặp khác với quan chức Mỹ, ông Giang đã nỗ lực thúc đẩy quan hệ và "kiểm soát bất đồng".
Các tòa nhà chính phủ Trung Quốc và cơ quan ngoại giao ở nước ngoài cũng đã treo cờ rủ để tưởng niệm ông Giang Trạch Dân.
Ông Giang là lãnh đạo nòng cốt trong thế hệ lãnh đạo thứ ba ở Trung Quốc, kéo dài từ năm 1992 đến 2003, được coi là giai đoạn bùng nổ của kinh tế Trung Quốc với học thuyết "Ba đại diện". Dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã trải qua thời kỳ phát triển bền vững với một loạt cải cách, thu hồi Hong Kong từ Anh và Macau từ Bồ Đào Nha.
Huyền Lê (Theo Xinhua, Reuters)