Thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ được điều chỉnh so với hiện nay. Cùng với đó, lương hưu và lương tối thiểu vùng cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, một thực tế, thời gian gần đây khi lương chưa kịp tăng thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã rục rịch tăng trước. Lương tăng tối thiểu 6 %, nhưng hiện nay, nhiều mặt hàng hóa thiết yếu đã tăng tới 15%, thậm chí nhiều hơn.
6h30 sáng chủ nhật, tôi ra chợ truyền thống gần nhà mua thức ăn. Tất cả mặt hàng thiết yếu đều tăng giá chóng mặt. Trước đây, một kg sườn chỉ bán giá 110.000 đồng nhưng bây giờ đã tăng lên 140.000 đồng; thịt mông giá 80.000 đồng mỗi kg thì nay cũng tăng thành 100.000 đồng; thịt bò từ 250.000 đồng một kg tăng lên 330.000 đồng; trứng gà giá 2.300 đồng một quả cũng lên thành 3.000 đồng...
Rau cải từ 15.000 đồng một kg lên 23.000 đồng; rau mồng tơi 4.000 đồng một mớ nay bán giá 10.000 đồng; rau muống 5.000 đồng một mớ tăng lên 11.000 đồng; mướp 8.000 đồng mỗi kg tăng lên 15.000 đồng.
Hoa quả cũng tăng giá chóng mặt: dưa vàng 25.000 đồng một kg tăng lên 30.000 đồng; đào 25.000 đồng mỗi kg giờ có giá 35.000 đồng; vải 55.000 đồng một kg tăng lên 65.000 đồng; chôm chôm 50.000 đồng cũng tăng lên 55.000 đồng...
Mỗi thứ tăng một chút nên tính vào tổng chi phí khi đi chợ, mấy người nội trợ như chúng tôi cũng méo mặt. Mỗi buổi sáng ra chợ mua thức ăn, hoa quả, sữa tươi, sữa chua cho gia đình ba người mà tôi tiêu hết bay 500.000 - 700.000 đồng, bằng số tiền mấy ngày công đi làm viên chức của tôi. Tổng thu nhập trung bình của tôi chỉ có hơn chục triệu đồng một tháng, nhưng tiền học phí cho hai đứa con gái đã khoảng 30 triệu đồng.
>> Chi tiêu tằn tiện 15 triệu đồng một tháng ở TP HCM
Nghĩa là, tới đây, dù có tăng lương thì thu nhập từ công việc chính của tôi vẫn không đủ nuôi con. Và tôi vẫn phải tiếp tục nhận làm thêm các công việc khác bên ngoài như dạy thêm vào cuối tuần, dạy online buổi tối, dịch tài liệu, viết báo... Không biết đến khi nào, viên chức như tôi mới đủ tiền nuôi con ăn học mà không phải lo lương tháng không theo kịp đà tăng giá hàng hóa, thực phẩm.
Có thể, nhiều người sẽ nói rằng thu nhập thấp thế, tại sao không cho con học trường công lập với mức học phí thấp, không cho con nghỉ học thêm để đỡ tốn tiền? Nhưng tôi luôn mong muốn đầu tư cho con ở mức tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Nếu thu nhập chính không đủ, tôi sẽ cố gắng nhận làm thêm các việc khác để có thêm thu nhập, lo cho con học tốt hơn, được phát triển toàn diện hơn để sau này các con có nhiều cơ hội phát triển bản thân, tìm được việc làm tốt, có thu nhập cao hơn bố mẹ bây giờ.
Gia đình tôi chỉ là một trong số hàng triệu người lao động tại Hà Nội phải đối mặt với nỗi lo chi tiêu tăng ngay cả khi lương chưa tăng. Và thực tế, cứ trước mỗi đợt điều chỉnh tăng lương, các mặt hàng thiết yếu lại đồng loạt tăng giá chóng mặt. Thế nên tôi và nhiều đồng nghiệp một mặt khấp khởi chờ đợi được tăng lương, nhưng mặt khác lại lo giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã rục rịch tăng trước.
Thế nên, dù tăng lương lẽ ra phải là điều đáng mừng, nhưng với viên chức có thu nhập thấp như tôi thì lại lo nhiều hơn. Giá cả tăng cao, còn lương tăng ít thì coi như không có ý nghĩa gì. Việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và nhà nước luôn sẵn sàng các phương án can thiệp bằng biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có biến động, ngăn tình trạng hàng hóa "té nước" theo lương.
Đi làm thì ai cũng mong được tăng lương, nhưng quan trọng nhất với công chức, viên chức và người lao động là lương tăng phải giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Còn nếu lương tăng không đuổi kịp giá hàng hóa thì cuộc sống lại thêm phần khó khăn hơn.
- 'Lương 15 triệu chỉ đủ tồn tại ở Hà Nội'
- Tôi sống bằng lương 8,5 triệu như thế nào
- '15 triệu không đủ chi tiêu mỗi tháng'
- Tôi chỉ chi tiêu 30% thu nhập
- Tôi bị áp lực chi tiêu dù lương 30 triệu đồng
- Kiếm 100 triệu đồng, gửi tiết kiệm ngay 50 triệu