Ngoài chức năng của một chiếc đèn bàn thông thường, loại đèn này được trang bị hai camera tích hợp, một chiếc quay về phía trẻ, trong khi một camera khác cho phép quan sát từ trên cao để cha mẹ giám sát con từ xa khi chúng học bài.
Chiếc đèn còn có một màn hình kích cỡ bằng điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hướng dẫn giải các bài toán và từ khó. Phụ huynh cũng có thể thuê người để "giám sát kỹ thuật số" trẻ khi chúng học bài.
Phiên bản thường của chiếc đèn có giá 120 USD. Phiên bản cao cấp giá 170 USD sẽ có tính năng gửi cảnh báo và hình ảnh cho cha mẹ khi trẻ lười biếng. Khi vừa ra mắt trên các nền tảng thương mại điện tử vào đầu tháng 5, phiên bản này lập tức cháy hàng.
Ni Ying, 36 tuổi, ở Thượng Hải đã bỏ tiền mua phiên bản cơ bản vào tháng 3 vừa rồi để giám sát con học. Cô thậm chí đã trả thêm 350 USD cho ba giáo viên để giám sát con gái hai tiếng mỗi buổi chiều, trong suốt ba tháng. Bà mẹ này cho biết: "Nó thật sự hiệu quả. Con gái tôi hoàn thành bài tập của mình. Nếu nó cần giúp đỡ, các giáo viên sẽ ở đó để hỗ trợ". Ni nói cô cảm thấy vô cùng thoải mái khi không phải liên tục theo dõi con học, như đã làm suốt 10 năm qua. "Tôi cảm thấy bớt nổi đóa lên mỗi lần cùng con giải quyết bài tập, chiếc đèn đã cải thiện mối quan hệ của chúng tôi".
Wu Tong, một bà mẹ ở Nam Kinh đã mua chiếc đèn cho con gái 3 tuổi của mình. Cô cho biết các bậc cha mẹ Trung Quốc luôn cảm thấy áp lực rất lớn đối với việc học hành của con cái. Giờ đây, với kinh tế khấm khá hơn, họ có nhiều khả năng chi tiêu cho con cái hơn.
Thành công của sản phẩm đèn thông minh cho thấy sự cởi mở của công chúng Trung Quốc đối với các sản phẩm công nghệ. Đặc biệt, sự giám sát đang xâm nhập sâu hơn vào cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy một sản phẩm giám sát liên quan đến giáo dục được đưa vào nhà và phòng ngủ của trẻ em Trung Quốc", Ted Chen, một doanh nhân ở Bắc Kinh cho biết.
Tuy nhiên, chiếc đèn cũng vấp phải không ít sự phản đối. Hồi tháng 3, một người dùng cho biết sản phẩm này cho phép trẻ em đăng video của chúng lên Internet. Một người dùng khác phàn nàn rằng chiếc đèn cung cấp thông tin cá nhân của người dùng. Nhiều phụ huynh chỉ trích ý tưởng đặt màn hình cảm ứng trước mặt trẻ em khi chúng học bài. Họ cảnh báo rằng loại đèn này khiến trẻ em quen với việc tìm kiếm câu trả lời dễ dàng từ thế giới công nghệ.
Phát biểu với tờ Wall Street Journal, Sun Chang, một công chức 41 tuổi ở Thượng Hải có con trai đang học lớp 5, cho biết cô không thích ý tưởng xâm phạm quyền riêng tư của con trai mình hoặc khuyến khích con trai mình phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Cô nói: "Trẻ em cũng có quyền riêng tư, và đó không phải là thứ mà cha mẹ có thể tước đoạt".
Theo đánh giá của tờ Technode, học sinh tiểu học và trung học tại Trung Quốc hiện nay đã chịu áp lực học hành không nhỏ. Trung bình một tối, thời gian làm bài tập về nhà của trẻ là gần ba giờ, gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu. Điều này còn chưa kể 10 giờ đồng hồ ở trường học, trẻ cũng phải chịu giám sát bởi các camera. Như vậy, nếu những chiếc đèn giám sát trẻ em này được sử dụng rộng rãi, thế hệ trẻ sẽ phải chấp nhận thực tế rằng trong phần lớn thời gian, chúng là mục tiêu của giám sát điện tử. Điều này đi ngược với quy tắc mà các nhà quản lý Trung Quốc đưa ra năm 2019, nhằm giới hạn việc thu thập dữ liệu của trẻ em dưới 14 tuổi.
Ngoài ra, người sử dụng cũng đặt ra câu hỏi về tính rủi ro an ninh, khi chiếc đèn trang bị camera trước và được đặt trong phòng ngủ của đứa trẻ, nơi trẻ có thể thực hiện các hoạt động riêng tư như tắm giặt, thay quần áo. Người dùng khác nhận định rằng khi liên tục đối đầu với camera, trẻ có thể bị "biến dạng nhân cách".
Một phụ huynh nói: "Sự hiện diện của camera nhắc nhở trẻ em cư xử dựa trên "nguy cơ bị trừng phạt" thay vì các giá trị cá nhân. Do đó, chiếc đèn vô tình thúc đẩy thanh thiếu niên bí mật hơn về cuộc sống của mình, điều này hoàn toàn không tốt chút nào".
Thùy Linh (Theo WSJ)