Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về sự tham gia của phụ huynh trong quá trình giảng dạy ảnh hưởng đến điểm số như thế nào và phát hiện sự hỗ trợ của bố mẹ là vô ích trong thời gian trẻ học tiểu học.
Nghiên cứu chỉ ra việc này thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thi ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của trẻ.
Trẻ mất đi động lực học hành
Theo kết quả của nghiên cứu, cha mẹ càng tham gia nhiều vào quá trình làm bài tập về nhà của con thì trẻ càng ít muốn học. Những đứa trẻ có cha mẹ ngồi bên cạnh và chỉ bảo chúng phải làm gì, kiểm soát từng bước giải và thậm chí làm bài tập cho chúng... là nhóm có động lực thấp nhất. Tuy nhiên, nhóm trẻ mà cha mẹ không kè kè bên cạnh sẽ ham thích học hỏi, tìm tòi những điều mới.
Theo chuyên gia, cha mẹ nên cố gắng giảm thiểu mong muốn kiểm soát và chỉ giúp đỡ trong trường hợp con chủ động yêu cầu. Trong trường hợp này, nên giải thích cho trẻ những điều chúng không hiểu, tuy nhiên không nên làm bài thay chúng.
Nhà tâm lý học Lyudmila Petranovskaya khuyên các cha mẹ, trong trường hợp trẻ không thể làm bài tập đó, nên "đồng lõa" với cảm xúc của con. Ví dụ, hãy cứ thừa nhận rằng chúng đúng khi không muốn viết đi viết lại đoạn văn nhàm chán đó, hoặc viết cùng một chữ cái 10 dòng liên tiếp, rồi chia sẻ với chúng các bí kíp để vượt qua khó khăn. Điều này sẽ làm chúng hào hứng hơn rất nhiều.
Trẻ không học cách chịu trách nhiệm
Khi cha mẹ bắt con bạn làm bài tập về nhà, kiểm soát quá trình và trừng phạt chúng vì điểm kém, điều đó đồng nghĩa với việc bạn lãnh nhận trách nhiệm học tập của chúng và loại bỏ trách nhiệm của con. Khi bạn tiếp tục quyền kiểm soát, con bạn sẽ không học cách chịu trách nhiệm.
Theo nhà tâm lý học Lyudmila Petranovskaya, việc nuôi dạy một đứa trẻ bằng cách sử dụng chiến thuật "củ cà rốt và cây gậy" không mang lại bất cứ lợi ích gì cho trẻ, vì nó có thể ảnh hưởng đến nhận thức của chúng về mọi thứ trong cuộc sống khi trưởng thành. Cha mẹ nên có những hình phạt và những lời khen ngợi để một đứa trẻ biết mình phải lựa chọn thứ gì. Hãy cứ để hậu quả xảy ra. Cha mẹ chỉ nên nhắc nhở: "Con quên cô giáo dặn về nhà vẽ một bức tranh rồi ư?". Điều đó có nghĩa là trẻ sẽ phải chọn hoặc vẽ tranh, hoặc tiếp tục xem tivi, chơi máy tính... và rồi tự mình giải thích với cô giáo.
Cha mẹ nên hiểu rằng, khả năng chịu trách nhiệm về hành động của bản thân và việc phân bổ thời gian một cách hợp lý quan trọng hơn khả năng thực hiện xong nhiệm vụ được giao.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con bị xấu đi
Thay vì cố gắng kiểm soát từng nhiệm vụ của con và cách con hoàn thành nó, các nhà tâm lý học khuyên bạn nên xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy với con cái và dành nhiều thời gian hơn cho con. Hãy cùng con đọc, thảo luận về các chủ điểm khoa học, xã hội và tìm ra những điều thú vị để cùng nhau có thêm kiến thức.
Thùy Linh (Theo Brightside)