Mykolaiv từng là mục tiêu mà Nga quyết tâm chiếm bằng được trong giai đoạn đầu chiến sự, do vị trí chiến lược tiếp giáp với Odessa, cảng chính của Ukraine bên bờ Biển Đen. Sau khi vấp phải sức kháng cự quyết liệt của lực lượng Ukraine tại đây, quân Nga rút lui, nhưng từ đó đến nay liên tục nã pháo, phóng tên lửa vào thành phố.
Vị trí của Mykolaiv càng trở nên quan trọng bởi nó tiếp giáp với Kherson, tỉnh lỵ duy nhất mà quân đội Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine. Kherson là nơi Ukraine và Nga đang tập trung lực lượng, chuẩn bị cho một cuộc giao tranh cam go mà cả hai bên đều không có lý do để thất bại.
Thị trưởng Mykolaiv cho biết thành phố thường xuyên bị pháo kích những tuần gần đây, khi Nga bắt đầu dồn lực lượng xuống miền nam Ukraine, đề phòng một đợt phản công của Kiev.
Trong chuyến thăm lần thứ ba tới Mykolaiv kể từ khi chiến sự bùng phát, phóng viên Andrew Harding của BBC, cho biết ông đã phải học cách quen với những "đêm trắng" đầy thử thách và tự hỏi người dân địa phương làm thế nào để thích nghi, khi họ chỉ có khoảng 20 đêm yên tĩnh kể từ cuối tháng 2 đến nay.
Harding cho hay mỗi khi tiếng nổ lớn vang lên trong đêm, tâm trí ông điên cuồng tìm cách xác định đó là đạn pháo hay tên lửa, cũng như xác định khoảng cách của mình với mối đe dọa.
"Ngủ ư? Không nhiều lắm", một quản lý khách sạn nói với Harding vào một buổi sáng tuần trước.
Trong chuyến thăm của Harding hồi tháng 3, người phụ nữ này vẫn luôn giữ vẻ ngoài tràn đầy năng lượng, nhanh nhẹn lướt qua các khung cửa sổ bít kín, hướng dẫn khách tới hầm trú bom tạm thời. Tuy nhiên, gương mặt cô giờ lộ rõ vẻ mệt mỏi, tình trạng chung với phần lớn người dân ở Mykolaiv.
"Nhà tôi có hầm tránh bom, nhưng nó đã bị ngập, chúng tôi không còn nơi nào trú ẩn, chỉ có thể nằm thao thức trên giường, trong bóng tối", nữ quản lý khách sạn chia sẻ. "Đêm qua, những tiếng nổ vang lên cách căn hộ của tôi chỉ vài dãy nhà".
Trong đêm, những âm thanh rất đỗi bình thường như tiếng đóng sầm cửa, hay xe tải tăng ga, giờ đây đều gây lo lắng, khi mọi người cố gắng phân biệt chúng với tiếng tên lửa hoặc máy bay.
"Tôi lên giường lúc 7-8 giờ tối, để nếu may mắn có thể chợp mắt được vài tiếng trước khi những tiếng nổ bắt đầu gầm thét", Gela Chavchavadze, 60 tuổi, chủ một quán cà phê ở trung tâm Mykolaiv, nói.
Các vụ oanh kích thường diễn ra sau nửa đêm. Lực lượng Nga nã pháo vào thành phố từ phía nam, phóng rocket từ khu vực miền đông, trong khi tên lửa hành trình được phóng từ tàu chiến ở Biển Đen. Bom đạn có thể trút xuống bất cứ khu vực nào trong thành phố, khiến giấc ngủ ban đêm của người dân càng trở nên chập chờn.
Quét dọn những mảnh thủy tinh trên bàn sau khi một quả bom phát nổ ngoài đường, nha sĩ Alexander Yakovenko, 58 tuổi, tự hỏi tại sao mình vẫn còn sống.
"Tôi không thể lý giải được, đáng ra tôi không còn giữ được mạng", ông nói, chỉ tay lên những mảnh bom trên tường. "Còi báo động vang lên hàng đêm, nhưng đêm qua tôi may mắn sống sót khi rời phòng ngủ để sang phía bên kia của tòa nhà để làm một số việc".
Olga, hàng xóm của ông, bật khóc. "Tôi phải nói gì với cháu trai bây giờ? Thằng bé thức dậy vào buổi đêm, òa khóc và nói: 'Bà ơi, cháu muốn sống'", Olga kể, trước khi tiếp tục quét mảnh kính trên sàn nhà.
"Giấc ngủ và giấc mơ của chúng tôi đều bị phá hủy. Điều đó làm suy yếu hệ thần kinh của con người, gây ra nỗi sợ hãi và hoảng loạn", Oleksandr Demianov, bác sĩ chuyên khoa tâm lý trong thành phố, cho biết.
"Mọi thứ thật khó khăn, tôi cũng bị thức giấc hàng đêm, không chỉ vì bom đạn, mà còn vì những cuộc điện thoại cầu cứu. Khi ngủ, tôi chỉ mơ thấy chiến tranh và hủy diệt", Demianov chia sẻ.
Đức Trung (Theo BBC)