Ẩu đả xảy ra vào tối 15/6 khi một đội tuần tra Ấn Độ chạm trán nhóm binh sĩ Trung Quốc trên một sườn núi hẹp. Khi đối đầu, một sĩ quan chỉ huy Ấn Độ bị đẩy ngã xuống vực, các nguồn tin tiết lộ với Guardian. Truyền thông Ấn Độ cho biết sĩ quan là thiếu tá Santosh Babu, chỉ huy trung đoàn Bihar 16. Hàng trăm binh sĩ hai bên sau đó được gọi đến tham gia vụ ẩu đả với gạch đá và gậy. Nhiều người đã ngã xuống vực rồi thiệt mạng.
Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên kể từ năm 1975, khi lính Trung Quốc phục kích bắn chết 4 binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, Arunachal Pradesh. Thương vong trong vụ ẩu đả nghiêm trọng nhất kể từ hai vụ đụng độ Nathu La và Chola năm 1967 khiến hàng trăm binh sĩ hai nước chết và bị thương.
Ấn Độ cáo buộc một lượng đáng kể lính biên phòng Trung Quốc đã vượt qua LAC và xâm nhập khu vực do nước này kiểm soát. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ đã vượt biên rồi tấn công binh sĩ nước này.
Lục quân Ấn Độ cho biết cả hai phía đều chịu thương vong, ba binh sĩ của họ thiệt mạng tại chỗ và 17 người khác chết sau đó vì thương tích quá nặng. Trung Quốc không xác nhận thương vong.
Tờ Global Times cho biết Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc chịu thương vong trong vụ ẩu đả song không công bố con số nhằm "tránh so sánh và ngăn tâm lý kích động căng thẳng leo thang".
Căng thẳng trên biên giới Ấn - Trung leo thang từ cuối tháng 4, khi Trung Quốc đưa hàng nghìn binh sĩ cùng xe cơ giới và pháo vào khu vực tranh chấp dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC). Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc một mặt đẩy mạnh xây dựng hạ tầng trong khu vực, mặt khác tìm cách cản trở Ấn Độ nâng cấp các căn cứ quân sự của nước này.
Việc Trung Quốc từ chối rút quân khỏi các khu vực tranh chấp, trong đó có thung lũng Galwan, làm bùng nổ những trận ẩu đả dọc theo biên giới. Một vụ ẩu đả lớn xảy ra giữa các đội tuần tra của hai nước hồi tháng 5, song không gây chết người. Các lãnh đạo quốc phòng cao cấp của Ấn Độ và Trung Quốc ngày 7/6 hội đàm và cam kết giảm đối đầu.
Chiến tranh Ấn - Trung diễn ra ngày 20/10-21/11/1962 tại khu vực biên giới tranh chấp trên Himalaya, khiến hàng nghìn binh sĩ hai bên thương vong, trong đó Ấn Độ chịu thiệt hại nặng hơn. Cuộc chiến kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn và LAC được thiết lập.
Một nền hòa bình mong manh được thiết lập dọc theo LAC và nhiều lần bị gián đoạn bởi những vụ đụng độ, trong đó có các cuộc ẩu đả năm 2013 và 2017. Ấn Độ và Trung Quốc chưa đàm phán phân định biên giới.
Khu vực xảy ra các vụ đụng độ có địa hình khắc nghiệt, độ cao lớn và dân cư thưa thớt chạy qua vùng Ladakh, giáp khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, nơi đa phần dân cư theo đạo Phật và là địa điểm du lịch nổi tiếng.
LAC phân chia lãnh thổ do Ấn Độ và Trung Quốc kiểm soát, song hai nước tiếp tục tranh cãi vị trí chính xác của đường phân giới này. Nỗ lực phân định LAC của Ấn Độ và Trung Quốc bị đình trệ suốt hai thập kỷ qua. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 90.000 km2 ở phía đông Himalaya và 38.000 km2 ở phía tây dãy núi. Cả hai khu vực đều trong tranh chấp với Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình bằng cách quân sự hóa mạnh khu vực. Hai nước xây dựng các tuyến đường, sân bay, tiền đồn cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác như đường dây điện thoại. Các đội tuần tra của Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên đi dọc đường biên giới tranh chấp.
Xung đột biên giới Ấn - Trung được nhận định có thể gây ra những hậu quả địa chính trị to lớn cho toàn cầu. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đông dân nhất thế giới và đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Chính phủ hai nước đều theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa, các lực lượng vũ trang của cả hai được coi là biểu tượng của vị thế và niềm tự hào quốc gia.
Hai nước trong những tuần gần đây tìm cách xuống thang căng thẳng. Tuy nhiên, vụ ẩu đả gây chết người hôm 15/6 khiến tình hình trở nên phức tạp và bấp bênh hơn trước.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin quân đội nước này đang tổ chức tập trận hiệp đồng tác chiến với nội dung "phá hủy trung tâm trọng yếu của đối phương tại khu vực núi cao". Bộ Chỉ huy Tây Tạng của PLA tiến hành tập trận bắn đạn thật với pháo hạng nặng ngày 16/6, một ngày sau vụ đụng độ tại biên giới với Ấn Độ, được cho nhằm chuẩn bị cho xung đột vũ trang trên núi cao có thể xảy ra.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)