Trong kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải, ngày 26/1, ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, các nút giao trên tuyến đường nối Đồng Nai - Vũng Tàu sẽ được xây dựng kiểu cầu vượt hoặc hầm chui với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng mỗi dự án.
Trong đó, hai dự án ở Đồng Nai xây tại điểm giao đường Châu Văn Lồng - Nguyễn Văn Tỏ (TP Biên Hòa) và tỉnh lộ 25B (ngã ba Nhơn Trạch). 8 nút giao ở Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao, 965 vào Cái Mép - Thị Vải, Hội Bài - Châu Pha, Láng Cát - Long Sơn, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Hữu Thọ, Trường Sa và đường 30 Tháng 4.
Hai dự án ở Đồng Nai và bốn nút giao ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Mỹ Xuân - Ngãi Giao; đường vào Cái Mép -Thị Vải; Hội Bài - Châu Pha và đường Trường Sa ưu tiên làm trước. "Nếu được Bộ đồng ý chủ trương thì công ty sẽ lập báo cáo đề xuất đầu tư, khi đó có thời gian thực hiện chi tiết", ông Hà nói.
Quốc lộ 51 dài hơn 72 km, trong đó đoạn qua Đồng Nai dài 36,5 km. Dự án mở rộng tuyến đường được khởi công năm 2009 và hoàn thành tháng 4/2013. Để hoàn vốn, dự án đặt ba trạm thu phí, trong đó hai trạm trên tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Hà, quốc lộ 51 có công suất thiết kế 12.000 lượt xe một ngày đêm. Tuy nhiên, lượng xe ghi nhận trên tuyến hiện đã tăng khoảng 32.000 lượt xe mỗi ngày đêm, dịp cao điểm lên đến 48.000 lượt. "Công suất hiện nay đã gấp 3 lần thiết kế nên quốc lộ thường xuyên xảy ra kẹt xe. Trước đây chỉ kẹt xe vào dịp lễ, cuối tuần thì hiện nay ngày thường cũng kẹt xe", Hà nói.
Năm 2020, toàn tuyến ghi nhận 93 vụ tai nạn giao thông làm 39 người chết, 81 người bị thương và 123 xe hư hỏng.
Ngoài ra, nhiều đoạn qua Đồng Nai đang bị hư hỏng, xuống cấp nặng như: ngã tư Bến Gỗ (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa); Cổng 11 (phường Phước Tân, TP Biên Hòa); ngã tư Lộc An (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành)... Chủ đầu tư đã chi 23 tỷ đồng để sửa chữa trước Tết Nguyên đán.
Phước Tuấn