Đề nghị này được Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải gửi UBND các tỉnh, thành phố, ngày 30/7.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố bổ sung đối tượng lao động trong ngành vận tải, logistics, nhất là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... vào đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine như lực lượng tuyến đầu chống dịch. Việc này được Bộ Công Thương nhấn mạnh, nhằm bảo đảm dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.
Đề xuất trên của Bộ Công Thương được đưa ra dựa trên cơ sở phản ánh, kiến nghị của các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp trong ngành vận tải, logistics.
"Những người lao động ngành vận tải, nhất là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động ở cảng biển, cửa khẩu... có vai trò quan trọng tương tự lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hoá thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế chống dịch cũng như cung ứng nguyên vật liệu, hàng hoá cho chuỗi sản xuất trong nước", ông Đỗ Thắng Hải nhận định.
Do chưa đánh giá đúng vai trò đội ngũ lao động này, nhiều địa phương thời gian qua chưa ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành logistics. Trong khi đó, nhiều tỉnh thành có các biện pháp phòng dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hoá phức tạp, không thống nhất, làm phát sinh thêm nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hoá, phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Logistics, vận chuyển, lưu thông hàng hoá là mạch máu của hoạt động kinh tế đất nước, trong đó có sản xuất công nghiệp. Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, đối tượng cần tập trung ưu tiên tiên tiêm trước mắt là đội ngũ tài xế, phụ xe vận tải liên tỉnh, lao động trong ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hoá tại các cửa khẩu, cảng biển.
"Nếu giải quyết được ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng nêu trên thì việc lưu thông hàng hoá sẽ được bảo đảm", ông Hải nhấn mạnh.
Thứ trưởng Công Thương thông tin thêm, đặc trưng sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi không đảm bảo được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hoá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa.
Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử... trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển nền kinh tế trong dài hạn.
"Trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng, sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác thay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sẽ cực kỳ khó khăn và cần quá trình lâu dài", ông nhận định.
Hồi tháng 6, Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ, các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành phân phối, bán lẻ nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Đến ngày 29/7, Việt Nam hiện đã tiêm được 5,1% dân số, trong đó 0,6% đã tiêm đủ liều và 4,5% mới tiêm một liều.
Anh Minh